Mở cơ hội, đón dòng vốn FDI

Trong bối cảnh kinh tế cả nước khó khăn, khiến dòng vốn đầu tư sụt giảm, nhưng với nhiều tiềm năng, triển vọng cùng với môi trường ngày một thuận lợi, Thừa Thiên Huế dần khẳng định là điểm đến hấp dẫn về đầu tư, đặc biệt là triển vọng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra hoạt động tại Nhà máy Kanglongda Huế

Tại buổi tọa đàm chia sẻ một số bài học liên quan đến chiến lược phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài hồi đầu năm, các chuyên gia đã chỉ ra những “điểm nghẽn” của Thừa Thiên Huế trong chiến lược phát triển và thu hút vốn FDI. Trong đó, cần tập trung vào việc tăng cường quảng bá, xúc tiến nước ngoài; đầu tư cơ sở hạ tầng; tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như giáo dục, y tế, du lịch… Tuy nhiên, những chuyển động thời gian gần đây cho thấy, những khó khăn đó dần được tháo gỡ.

Những ngày đầu tháng 8, tại hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” được tổ chức tại Quảng Trị, tham gia phiên thảo luận về “Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC): Thúc đẩy hợp tác và hội nhập chuỗi cung ứng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh về hợp tác quốc tế, đặc biệt trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Ông Phan Quý Phương đã thông tin đến bạn bè quốc tế về công tác đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh Thừa Thiên Huế, đáng chú ý là việc phục vụ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng biển Chân Mây, Thuận An; cảng chuyên dụng Điền Lộc; và việc tỉnh có kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49 qua cửa khẩu Hồng Vân/Cô Tài - Salavan, Lào và cho nghiên cứu, sớm đầu tư tuyến đường 71 thông qua hai cặp cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài; A Đớt - Tà Vàng. Những tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực phát triển cho các nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hội nghị trên chỉ là lát cắt nhỏ trong sự chuyển động của chính quyền tỉnh, tại nhiều chương trình quảng bá ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, tỉnh luôn ưu tiên để kêu gọi đầu tư, thu hút FDI. Điển hình như việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và sản phẩm làm từ nhựa Okura Industrial Co.,Ltd ngay sau buổi tọa đàm “Xúc tiến đầu tư và quảng bá địa phương Việt Nam”, diễn ra tại thành phố Tokyo, Nhật Bản.

Bây giờ, những dự án như, Nhà máy Kanglongda Huế tại Khu công nghiệp Phong Điền; Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn… được triển khai đã giúp khẳng định vị thế của Huế. Mục tiêu của những dự án này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại đia phương.

Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm, một số sản phẩm từ doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn vào thành quả chung của tỉnh, điển hình như, bia 197 triệu lít, tăng 23,4% so với cùng kỳ (trong đó: bia chai 66,6 triệu lít, tăng 18%; bia lon 130,4 triệu lít, tăng 26,3%); tôm đông lạnh 3.151,2 tấn, tăng 6,8%...Trong số 19 dự án đã cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.023 tỷ đồng có 5 dự án FDI với vốn đăng ký 39 triệu USD.

Ngược dòng quá khứ, giai đoạn 2013-2022, Thừa Thiên Huế đã thu hút được 87 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 2.750 triệu USD, chiếm 74% về lượng và chiếm 63% vốn thu hút cả giai đoạn. Các dự án đầu tư nước ngoài đã đóng góp khoảng 12% GRDP, chiếm trên 25%/năm tổng thu ngân sách địa phương, đặc biệt trong đó Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam (Đan Mạch) bình quân hàng năm 2.300-3.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20-25%/năm cho tổng thu ngân sách địa phương, trên 65-70% khối doanh nghiệp nước ngoài; khu vực FDI đã giải quyết hơn 24.500 người lao động trên địa bàn tỉnh. Điều đó chứng tỏ, dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Triển vọng và tầm nhìn phát triển của tỉnh bây giờ được định hướng theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là 1 trong 6 đô thị trọng điểm của Việt Nam trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Trong đó, tỉnh phải tiếp tục khẳng định điểm đến hấp dẫn về đầu tư. Việc tỉnh vừa hoàn tất việc nâng cấp nhà ga quốc tế tại Sân bay Quốc tế Phú Bài, khả năng đón 5 triệu lượt khách/năm; đã đầu tư hoàn thành đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 (450m), đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (thêm 300m) dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024; cấp phép đầu tư dự án bến số 4, 5 cảng Chân Mây với khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp và tàu container đến 4.000 TEU để đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hàng container trong giai đoạn sắp tới... là những điểm nhấn về đầu tư hạ tầng thời gian gần đây.

Với những tiềm năng hiện hữu, chuyên gia Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Thừa Thiên Huế hội tụ điều kiện để trở thành một trung tâm đô thị - du lịch lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư về các lĩnh vực như, đô thị du lịch; du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh; phát triển hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp; kết nối, khai thác các đường bay quốc tế đến Huế; chuyển đổi số...

Năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tỉnh xác định đây là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ tiếp tục được quan tâm, đổi mới, nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xử lý triệt để các vướng mắc cho từng dự án, hoàn tất các thủ tục nhanh nhất có thể, nhanh chóng đưa các dự án vào hoạt động, gia tăng đóng góp cho phát triển kinh tế.

Nói về các giải pháp sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh sẽ tập trung huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng các khu công nghiệp… Tập trung, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, luật, tài chính.... Chủ động đào tạo lao động có tay nghề chất lượng cao để cung cấp, đón đầu các dự án FDI trọng điểm. Thúc đẩy mối liên kết đào tạo – sử dụng giữa doanh nghiệp FDI và cơ sở đào tạo bằng nhiều hình thức phù hợp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tối đa vai trò trách nhiệm của 4 tổ công tác được thành lập năm 2022 do đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhằm nắm bắt và cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Bài, ảnh, biểu đồ: Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/mo-co-hoi-don-dong-von-fdi-131493.html