Mở cánh cửa hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc, cửa ngõ giao thương giàu tiềm năng

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Úc bùng nổ khi tăng gấp đôi trong thập niên vừa qua. Về đầu tư, Úc rót trên 2 tỷ USD vào 631 dự án tại Việt Nam. Thế nhưng, hợp tác giao thương kinh doanh và đầu tư với vùng Bắc Úc còn khá nhạt nhòa, chưa tương ứng tiềm năng...

Bắc Úc là cửa ngõ giao thương gần nhất để kết nối giữa châu Á, ASEAN với phần còn lại của châu Úc.

Được sự bảo trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc (NTVBC) tổ chức hội thảo "Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc năm 2024" ngày 28/3 tại Hà Nội.

TRIỂN KHAI CHẬM TRỄ, CHƯA KHAI PHÁ HIỆU QUẢ TIỀM NĂNG

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE, cho biết Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 50 năm.

Từ năm 2009, mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên tầm đối tác toàn diện, từ năm 2018 là đối tác chiến lược. Mới đây nhất, ngày 7/3/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai nước nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

“Đây là cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ kinh tế đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Australia”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhìn lại thập kỷ qua, có thể thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại tăng gấp, đôi đạt mức 13,8 tỷ USD trong năm 2023.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy đến nay, Australia có 631 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,04 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư sang Australia 94 dự án với tổng vốn đăng ký 584 triệu USD, đứng thứ 11/80 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, kinh doanh thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo...

Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, vùng lãnh thổ Bắc Úc là bang có diện tích đứng thứ ba và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Liên bang Úc với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN, nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác một cách hiệu quả.

Cũng theo ông Tuấn, kết quả các chuyến thăm và khảo sát tại Bắc Úc của lãnh đạo VAFIE và Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc cho thấy tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc là rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo nghề nhằm xuất khẩu lao động Việt Nam có tay nghề cao sang Bắc Úc; nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và chế biến thịt; logistics, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng; phát triển các dự án năng lượng mặt trời...

Chính quyền Bắc Úc ủng hộ và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.

Hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc” là bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy triển khai kế hoạch hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Bắc Úc.

Nắm bắt các cơ hội nói trên, từ tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc (NTVBC) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược để cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ giao thương và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Bắc Úc.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo VAFIE, do việc triển khai kế hoạch hành động chậm so với dự kiến, trong đó có ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai các dự án hợp tác Việt Nam - Bắc Úc về thương mại, du lịch, đầu tư và giáo dục chậm so với dự kiến.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Hà, Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Úc, nêu rõ 3 thuận lợi trong hợp tác hai bên.

Một là,lãnh đạo Bắc Úc coi trọng quan hệ với Việt Nam, không chỉ trong chiến lược chung của liên bang mà còn chiến lược riêng của Bang cũng nhấn mạnh sự ưu tiên này.

Hai là, khoảng cách địa lý gần, khí hậu Bắc Úc ôn hòa gần giống miền Nam của Việt Nam.

Ba là, nguồn tài nguyên phong phú, đất đai phì nhiêu, nhiều khoáng sản…

Ngược lại, bà Hà cũng chỉ rõ một số khó khăn khi doanh nghiệp Bắc Úc và Việt Nam chưa biết nhiều về nhau, đoàn thăm hai bên chưa nhiều.

Bên cạnh đó, chưa có đường vận tải thẳng, bay thẳng, điều này hạn chế sự đi lại giữa hai bên khiến trao đổi kinh tế thương mại và giáo dục khó khăn. Ngoài ra còn có chính sách visa, thời gian gần đây họ siết chặt visa du học, du lịch, người lao động.

Theo bà Hà, để thúc đẩy du lịch, thương mại, đầu tư cần có trao đổi đoàn và hoạt động giao lưu thường xuyên. Thêm vào đó, cần lan tỏa các sự kiện đến các địa phương trên khắp cả nước chứ không chỉ với mỗi doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp đầu tư một địa bàn nào đó có thể tiếp cận đại diện ở nước ngoài để có thể hỗ trợ tìm kiếm đối tác phù hợp hơn, song trước hết, bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm cơ quan đại diện phù hợp để đáp ứng được nhu cầu.

HỢP TÁC ĐẦU TƯ THEO CHUỖI CUNG ỨNG

Thay mặt Tập đoàn Central Agri Group, ông Johnnie Dichiera, Giám đốc Điều hành Central Agri Group (CAG), cho biết tập đoàn đã đầu tư đáng kể vào lãnh thổ Bắc Úc, đây là một khoản đầu tư khả thi bởi đó là cửa ngõ tiếp cận các quốc gia lân cận tại thị trường Đông Nam Á.

Đánh giá Việt Nam là thị trường cực kỳ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh Central Agri Group, song theo ông Johnnie Dichiera, dù phát triển các mối quan hệ và chuỗi cung ứng rất mạnh mẽ với khách hàng tại Việt Nam nhưng tập đoàn vẫn chưa thể xác định được đối tác liên doanh phù hợp.

Mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi gặp ông Nguyễn Ngọc Mỹ của Tập đoàn Vabis Group, khi đó, Central Agri Group nhanh chóng xác định được sự phối hợp tích cực giữa các bên. Theo chia sẻ của lãnh đạo Central Agri Group, ông Mỹ là người tiên phong nhập khẩu trâu bò và gia súc từ Úc về Việt Nam và là một doanh nhân cam kết với ngành nông nghiệp được thể hiện rõ ràng trong danh mục đầu tư cũng như là người có niềm đam mê phát triển chuỗi cung ứng thịt đỏ và thương mại giữa hai nước.

Central Agri Group đang thực hiện kế hoạch và mô hình kinh doanh đem lại cơ hội cho các bên được chọn cùng đầu tư vào liên doanh này cùng với Vabis Group và Central Agri Group.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, kinh doanh và xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp trong nước và Australia, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc (NTVBC), cho biết trên cơ sở phân tích thế mạnh, hạn chế, thách thức và cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp giữa Việt Nam và Bắc Úc, có nhiều lĩnh vực cần ưu tiên hợp tác đầu tư hai bên.

Nổi bật là nhờ tận dụng lợi thế giá nhân công phổ thông khá thấp có thể sản xuất tại Việt Nam một số vật liệu xây dựng theo kiểu tiền chế (prefab), mô hình lắp ráp (modular)… có nhu cầu cao tại thị trường xây dựng Bắc Úc, từ đó đem đi xuất khẩu.

Bên cạnh đó, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào về trâu, bò nuôi thả tự nhiên tại Bắc Úc để hợp tác đầu tư lò mổ và xẻ khối cấp đông nhập khẩu về Việt Nam, sau đó gia công chế biến và tiêu thụ tại Việt Nam và các nước lân cận; hay hợp tác trao đổi tour du lịch kết hợp khảo sát thị trường và kết hợp kinh doanh cho doanh nghiệp hai bên; hợp tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động tay nghề cao sang Bắc Úc.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc.

"Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài chưa thành công như ý muốn, Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc đề ra phương pháp tiếp cận với mô hình thí điểm hợp tác đầu tư theo chuỗi cung ứng, có nhiều đối tác tham gia vào những mắt xích tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo tính bền vững của dự án đầu tư, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng".

Cũng theo ông Mỹ, Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc đã được Chính phủ hai nước công bố ngày 21/12/2021. Đây là một sáng kiến cụ thể hóa ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia.

Chiến lược cũng nhấn mạnh đến việc phối kết hợp và tận dụng thế mạnh nguồn lực Việt kiều ở Bắc Úc nói riêng và Australia nói chung để tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ cũng đề xuất một số các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư ngay trong năm 2024 gồm: giáo dục và đào tạo nghề; thịt đỏ (trâu, bò, lạc đà, cừu, kangaroo…) hợp tác với Tập đoàn CAG của Australia; trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm Việt Nam tại Darwin như: vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thực phẩm đóng gói; thủ công mỹ nghệ; du lịch đánh golf, săn bắn, câu cá, đua ngựa. Bên cạnh đó, hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực logistics.

Doanh nghiệp cũng có thể tham gia cung cấp vật tư, nguyên liệu, thi công lắp đặt solar farm tại Bắc Úc. Với mục tiêu netzero vào năm 2050, Bắc Úc đã và đang triển khai rất nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Một trong những dự án mang tầm châu lục là dự án Australia Asia Power Link (AAPL), với tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD, tạo 1.500 việc làm trực tiếp…

Dựa trên diễn biến của tình hình hai bên trong bối cảnh biến động toàn cầu, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư như đã đề xuất ở trên cũng sẽ được cập nhật và thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mo-canh-cua-hop-tac-dau-tu-viet-nam-bac-uc-cua-ngo-giao-thuong-giau-tiem-nang.htm