Míttinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến

Sáng nay (18/12), lễ kỷ niệm trọng thể cấp Quốc gia 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Trước giờ khai mạc, các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Trần Đại Quang- Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ; Hoàng Trung Hải- Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, đồng chí Hoàng Trung Hải- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Hôm nay, trong niềm phấn khởi và rất đỗi tự hào, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016)- một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

“Trong thời khắc thiêng liêng và xúc động này, với niềm biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc và cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Chúng ta mãi mãi tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến

Bí thư Hoàng Trung Hải đã ôn lại thời kỳ chính quyền cách mạng non trẻ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trước dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp, trong 2 ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong Thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến

Bí thư Hoàng Trung Hải khẳng định: Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long- Hà Nội: thanh lịch-hào hoa-yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc. Đó cũng tiêu biểu cho truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận” với tinh thần “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”; đã kế thừa và phát huy trang sử vẻ vang đánh giặc giữ nước của Thăng Long - Đông Đô và tiếp nối khí phách hào hùng của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... với những chiến công vang dội đã trở thành huyền thoại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu, Ngọc Hồi, Đống Đa... Có thể nói, chiến công của quân và dân Thủ đô trong mùa Đông năm 1946 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: “Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi".

Bí thư Hoàng Trung Hải cũng khẳng định: Trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra là rất nặng nề, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Phát huy tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nguyện chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

“Từ mốc son chói lọi này, nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, chúng ta càng thêm phấn khởi, tự hào, trân trọng những gì đã làm được để tiếp tục ra sức phát huy; đồng thời, chúng ta cũng nghĩ suy, trăn trở về những gì chưa làm được để quyết tâm khắc phục, sửa chữa; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của: Độc lập, Tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; về giá trị của hòa bình và phát triển; càng tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước. Dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của chúng ta nhất định thành công vì chúng ta có sức mạnh từ cội nguồn lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng; có Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại; có nhân dân dũng cảm, cần cù, sáng tạo đang vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển”, Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Đại tá Nguyễn Huy Du phát biểu tại lễ kỷ niệm

Sau diễn văn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, đại diện nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô), Đại tá Nguyễn Huy Du (86 tuổi)- hiện là ủy viên Ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1, Trung đoàn Thủ đô anh hùng đã phát biểu cảm tưởng.

Cùng với bạn bè, ngày 17/8/1945, ông Du đã tham gia cuộc mít tinh biểu tình cướp diễn đàn của bọn bù nhìn thân Nhật tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. 20h tối ngày 19/12/1946, ông Du cùng đồng đội đón đợi lời kêu gọi của Bác Hồ cùng hòa mình vào những ngày Hà Nội cố thủ với nhiệm vụ trinh sát bám địch, dẫn bộ đội đi phục kích. "Sau 60 ngày quần nhau với địch trong những khu nhà cũ nát, những phố phường bị bom đạn tan hoang, chúng tôi đã cùng với đồng đội vượt sông Hồng rút khỏi Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến thành công. Sau đó, chúng tôi đã trở lại tiếp quản Thủ đô 9 năm sau” - ông Du kể

"Chúng tôi, những người đã tham gia chiến đấu từ những ngày đầu kháng chiến ở Thủ đô hiện phần lớn đều đã gần 90 tuổi. Với ý thức trách nhiệm và nhiệt tình cách mạng của người chiến sỹ quân đội và những người đã được thử thách rèn luyện trong cuộc chiến 60 ngày đêm quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, chúng tôi xin hứa với Nhân dân, với Đảng và Nhà nước sẽ phát huy vai trò của người cán bộ, người đảng viên trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong suốt quãng đời còn lại. Chúng tôi cũng gửi gắm niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay, sẽ nối tiếp và phát huy truyền thống chiến đấu vẻ vang của các thế hệ đi trước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước", Đại tá Du bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách - giảng viên Đại học Y Hà Nội phát biểu

Đại diện thế hệ trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách - giảng viên Đại học Y Hà Nội đại diện thế hệ trẻ của Thủ đô đã phát biểu khẳng định: Lớp trẻ chúng tôi tự hào và biết ơn cha ông khi bình thản đi vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù với lời thề son sắt quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Bao chàng trai, cô gái đất Hà Thành rất lãng mạn thanh lịch nhưng cũng đầy quả cảm, đã bước vào cuộc chiến với tinh thần của cả tuổi trẻ, của lý tưởng. Thế hệ trẻ ý thức sâu sắc về trách nhiệm với những đòi hỏi của thời đại mới. “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, Tiến sĩ trẻ nguyện cùng phấn đấu cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp phát triển đất nước, chăm lo cho cuộc sống hôm nay.

B.Duy- T.Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mittinh-trong-the-ky-niem-70-nam-ngay-toan-quoc-khang-chien-46705.html