Minh oan để yên lòng nhắm mắt

50 năm sau cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, nhiều nạn nhân không còn nữa. Những nạn nhân cuối cùng của “cuộc cách mạng” cũng dần qua đời. Trong số đó có rất nhiều người e sợ phải mang theo nỗi đau qua thế giới bên kia.

Một người đàn ông mặc quần áo của lực lượng Hồng vệ binh, trước nhưng bức bích họa thời Cách mạng Văn hóa. Ảnh: CFI

Sau Cách mạng Văn hóa, nhiều triệu cán bộ bị đấu tố trong thời gian 10 năm diễn ra cuộc thanh trừng “long trời, lở đất” ở Trung Quốc đã được phục hồi danh dự sau những nỗ lực sửa sai của Chính phủ. Nhưng theo Hoàn cầu Thời báo, một phụ bản của Nhân dân nhật báo, vẫn còn rất nhiều người dân thường bị quên lãng, bị làm ngơ và họ chỉ còn biết tự đấu tranh chứng tỏ sự vô tội của mình.

Minh oan để yên lòng nhắm mắt

Vương Giai Phương, sống ở tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, đang đếm từng ngày bà còn sống trên đời kể từ khi phát hiện ung thư từ năm 2010.

Người đàn bà 57 tuổi nói bà chỉ uống thuốc bắc, không còn nhiều hơi sức và luôn biết rằng mình đang ở ngưỡng cửa của cái chết. Nhưng hơn cả sợ chết, điều bà sợ nhất là nằm xuống mà không đòi lại được công lý, với những gì diễn ra hàng chục năm trước trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976).

41 năm trước. Vương còn là một học sinh cấp hai ở huyện Lôi Ba, tỉnh Tứ Xuyên. Bà đã bị bắt buộc phải xác nhận rằng thầy giáo Trần Gia Tiền đã cưỡng hiếp mình. Thầy Trần cũng bị buộc phải “thú nhận tội lỗi” sau nhiều ngày bị hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông Trần, một hiệu trưởng đầy triển vọng vào thời điểm đó, đã phải ngồi tù 9 năm. Mặc dù liên tục kêu oan, ông không được người ta xem xét. Còn Vương thì cả đời bị đàm tiếu và khinh bỉ ngay cả khi cô rời bỏ Tứ Xuyên chuyển đến sống ở nơi xa.

Năm 2013, thầy Trần liên lạc được với Vương Giai Phương và cuối cùng Vương đã có đủ can đảm để đứng lên minh oan cho ông Trần. Bà làm đơn trình chính quyền vào đầu tháng 7/2016. Vấn đề của hai người là chờ đợi xem cơ quan nào đứng ra thụ lý vụ việc.

“Họ nói chúng tôi đợi hai tháng. Bây giờ ba tháng đã trôi qua. Họ có thể trì hoãn vụ việc cho đến khi chúng tôi qua đời”, ông Trần, năm nay đã 74 tuổi, nói phều phào, giọng nói của người có bệnh. “Tôi buộc phải nhận tội”.

Ông Trần nhớ rất rõ cuộc đời ông đã thay đổi đột ngột như thế nào trong một đêm tháng 7/1975 khi cô học trò Vương Giai Phương đến thăm ông. “Nếu trò Vương không đến hôm đó, tôi lẽ ra ít nhất cũng vẫn còn là một giáo viên bình thường, có lương tháng”, ông Trần nói với Hoàn cầu thời báo.

Mang tiếng ác hiếp dâm học trò

Vương, lúc đó 16 tuổi, đến gõ cửa văn phòng và cũng là chỗ ở tập thể của thầy Trần vào khoảng 9h tối, sau khi kết thúc công việc ở nông trại, để hỏi về cơ hội lên học cấp ba của mình. Ở thời đó, học sinh muốn học lên cấp cao hơn cần được trường cấp dưới giới thiệu. Vương nói cô thậm chí còn không ngồi xuống và cả hai thầy trò mới trao đổi được vài phút thì bí thư thôn xuất hiện cùng ba dân quân, trói cả hai thầy trò lại. Họ được đưa lên thị trấn và thẩm vấn.

Các điều tra viên yêu cầu họ thú nhận rằng họ có quan hệ tình dục. Ông Trần nói, mỗi khi ông bác bỏ yêu cầu này, ông lại bị đánh đập. Ông và Vương nhiều lần đề nghị những người cáo buộc cho kiểm tra cơ thể Vương để tìm bằng chứng, nhưng thỉnh cầu của họ bị bỏ qua.

Để cứu mạng mình, ông Trần đã viết một bản khai nói rằng những lời cáo buộc là sự thật, với hy vọng ông không bị áp một bản án quá nặng. Một nữ điều tra viên nói với Vương rằng thầy Trần đã nhận tội và rằng nếu cô không công nhận đã có quan hệ tình dục, cô sẽ bị đưa đi diễu phố. Tin rằng cô sẽ không sao nếu nói những gì họ muốn, Vương cũng ký vào bản án.

Một cảnh đấu tố thời Cách mạng Văn hóa, diễn ra ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, năm 1966. Ảnh: scmp.com

Tháng 3/1976, thầy Trần bị kết án 10 năm tù trong một phiên tòa xét xử lưu động với tội danh “hãm hiếp một cô gái trẻ” và nhiều tội ác khác. Đời ông Trần thế là xong. Trước đêm đó, ông là hiệu trưởng trường cấp hai, là ngôi sao sáng của ngành giáo dục huyện, là ứng cử viên duy nhất có khả năng được kết nạp đảng của thôn.

Ông Trần đã phải ngồi tù 6 năm. Hai con gái ông, còn rất nhỏ khi ông đi tù, phải bỏ dở trung học, sống cả đời nghèo khổ. Vợ ông bị bệnh liên quan đến thần kinh. “Bà ta vẫn không hiểu tôi, cho đến lúc này. Bà ta bảo, vì sao họ bắt ông nếu ông không làm gì?”, ông Trần kể với phóng viên.

Năm 20 tuổi, Vương đưa chồng chưa cưới đến một bệnh viện để kiểm tra và kết quả cho thấy cô vẫn còn là trinh nữ. “Nhưng người ta không cho tôi giữ một tài liệu nào hết”, Vương kể .

Ông Trần ngờ rằng ông bị gài bởi có lần ông đã động chạm đến bí thư thôn Đằng Hưng Phú. Sau năm 1971, là hiệu trưởng trường cấp hai, ông Trần nhiều lần yêu cầu sửa chữa các phòng học nhưng bị bí thư Đằng bác bỏ.

Ông Trần sau đó đã báo cáo vụ việc lên phòng giáo dục huyện và hai người trở thành kẻ thù. Theo lời ông Trần, bí thư Đằng nhiều lần nói công khai sẽ xử lý Trần. Ông cũng nghe rằng bí thư Đằng nói với nhiều người rằng nếu phát hiện có học sinh nữ trong phòng thầy Trần thì báo ngay cho ông ta.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/buoc-phai-mang-tieng-ac-hiep-dam-hoc-tro-post180821.html