Minh Đức - nhà thơ của những hoài niệm

Ở Tiền Giang, nhiều người biết đến nghệ sĩ Minh Đức là một người đa tài. Ông là thầy dạy thư pháp, võ thuật, khiêu vũ, viết ca khúc, vẽ tranh và cũng là một nhà thơ. So với các nhà thơ khác, thơ của người nghệ sĩ đa tài này chưa phải là nhiều nhưng mỗi tác phẩm thơ của ông thật tha thiết, từng câu chữ của ông cứ nối nhau ẩn hiện trên trang sách, nồng nàn cảm xúc và hoài niệm.Nhà thơ Võ Tấn Cường nhận xét: 'Đối với Minh Đức, thơ của ông thấm đẫm và tràn đầy hoài niệm về những điều tưởng đã xưa cũ trong xã hội hiện đại nhưng vẫn mang vẻ đẹp lấp lánh trong thế giới tâm thức của con người.

Tôi nghĩ, thơ ca chính là bến bờ bình yên để con thuyền thơ của ông cập bến và có dịp hoài niệm về cái đẹp của một thời; đồng thời ngân lên khúc ca khát vọng về chân trời mơ ước”. Quả thật, chỉ nghe tựa 2 tập thơ “Bên bờ nỗi nhớ” (năm 2008) và “Bến xưa” (năm 2017) của tác giả đã để lại trong người yêu thơ một chút gì đó vừa lãng mạn, vừa khoan khoái, dễ chịu.

Thơ ông nhiều hoài niệm, sự hoài niệm của một người từng trải đã và đang sống với muôn nẻo buồn vui… Trong tập “Bến xưa”, giống như tên gọi, những bài thơ đều nhắc lại hay liên quan đến quá khứ trước hết là làng quê, nơi nhà thơ sinh ra, lớn lên và đi theo ông suốt cả cuộc đời. Thời trai trẻ do rong ruổi, mải mê làm ăn mà nhạt nhòa hình bóng quê nhà, đến khi tạm gọi là yên ổn, chợt giật mình nhớ tới ngày xưa. Cảm giác ngỡ ngàng, bâng khuâng khi buổi chiều nọ trở về quê:

Làng xưa vàng nắng hao gầy
Biết bao kỷ niệm đong đầy nhớ thương
Nụ cười, ánh mắt yêu thương
Bâng khuâng gót nhỏ vấn vương lối về.

(Chiều quê)

Bài thơ chỉ 4 câu nhưng lột tả hết được tâm trạng của một người con lâu ngày trở về quê cũ. Nó mang vẻ đẹp của sự dung dị và hồn hậu của ca dao, của thơ truyền thống đầy chất trữ tình gợi cảm và sâu lắng. Nhớ về ông ngoại - một nhà nho am hiểu sâu sắc về nghệ thuật thơ Đường - nhà thơ bộc bạch tuy ngắn nhưng ý thơ đi rất trọn nghĩa, trọn tình:

Một kiếp phù hoa xong thế sự
Trọn đời đạm bạc hưởng thanh nhàn
Ra đi để lại nhiều thương tiếc
Xứ Phật người về chẳng vướng mang.

(Hoài niệm)

Hoài niệm trong thơ ông là những hoài niệm về về một vùng đất, một con đường, một bến sông, về ông bà, về những người thân trong gia đình… ở nơi quê nhà lam lũ. Do đó, tác giả có nhiều bài thơ có từ xưa ở phía sau: Bến xưa, Lối xưa, Tình xưa, Đường xưa, Dáng xưa, Người xưa…

Quá khứ dường như đã làm cho tâm hồn con người lắng lại, sống chậm rãi, bình tĩnh hơn trước dòng chảy của hiện tại. Những câu thơ của ông giàu tính tự sự, không cầu kỳ, không nói những điều “đao to, búa lớn” nhưng rất dễ đi vào tâm trí của mọi độc giả. Chỉ bằng vài nét phác họa, nhà thơ đã vẽ lên một hình ảnh Cố đô Huế với những cung điện, lăng tẩm, có dòng sông Hương chảy ngang…

Về Huế - Cố đô lối cỏ mòn
Đền thiêng lắng đọng dấu chân son
Sông Hương lờ lững hồn cô tịch
Núi Ngự trầm tư bóng héo hon.

(Cố đô Huế)

Thơ của nhà thơ Minh Đức thường ngắn gọn, súc tích, mang vẻ đẹp của thơ truyền thống, có tính khái quát cao, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng, suy nghĩ. Hầu hết các bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ các sự vật, hình ảnh, sự kiện trong đời. Với sự hiểu biết về âm nhạc và hội họa nên thơ của ông vừa giàu nhạc tính, lúc nhẹ nhàng, lúc trầm lắng và giàu hương sắc.

Thơ ông không bi lụy, mỗi câu thơ đều dồn nén nhiều cảm xúc khác nhau được bản thân ông cùng một số nhạc sĩ phổ nhạc và đã giới thiệu đến người yêu thơ nhạc trong đêm nhạc của ông với chủ đề “Em phía sau lưng” .

Có thể kể đến những ca khúc: Phôi pha, Em phía sau lưng, Tìm em, Nhớ về em… mang đến sự sâu sắc và gần gũi, khiến người nghe cảm nhận được tìm thấy sự đồng điệu và luôn nhớ về một thời đã qua. Ông tâm sự: “Với tôi, trong mỗi bài thơ đều có nhạc, khi hát một bản nhạc thì đâu đó trong nhạc có chất thơ trong đó. Thơ với nhạc đi cùng với nhau”.

Là nghệ sĩ, với năng khiếu và tình yêu dành cho nghệ thuật, những tác phẩm về thơ ca, nhạc họa của nhà thơ Minh Đức đã để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng công chúng yêu văn học - nghệ thuật.

QUANG HUY

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202405/minh-duc-nha-tho-cua-nhung-hoai-niem-1010454/