Minh bạch thị trường lúa gạo

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới là rất kịp thời và quyết liệt trong bối cảnh thị trường lúa gạo đang có những dấu hiệu bất thường.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tinh giản đầu mối xuất khẩu; triển khai sàn giao dịch nông sản; đưa thương lái vào chuỗi giá trị lúa, gạo. Đây là những vấn đề mới, quan trọng nhằm tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, DN có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thực tế trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục giảm mạnh do các đối tác chủ động mua chậm lại, chờ giá gạo giảm mới mua vào. Tại thị trường trong nước, có hiện tượng DN chờ đợi giá lúa xuống thấp, còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các DN và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa. Điều này cũng bộc lộ rõ chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và DN chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết, vì vậy, mục tiêu liên kết chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết chỉ mang tính thời vụ. Trong khi đó, tư duy sản xuất, kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững; thiếu sự chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích. Hệ lụy của vấn đề này là thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín, bẻ kèo giữa các bên tham gia liên kết.

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khó khăn nội tại về chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thiếu tính bền vững.

Vấn đề cốt lõi vẫn là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo và giữa các thương nhân với nhau… để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng và loại bỏ tư duy “chộp giật” trong xuất khẩu gạo.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/minh-bach-thi-truong-lua-gao.html