Minh bạch hóa thị trường thẻ tín dụng

Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc, một khách hàng dùng Thẻ tín dụng trị giá 8,5 triệu đồng của một ngân hàng rồi 'quên trả', sau 11 năm số nợ (gốc và lãi) lên tới 8,8 tỷ đồng.

Chưa cần tính đến các phép tính toán học, lãi mẹ đẻ lãi con, song bất luận có tính toán kiểu gì với khoản tiền gốc và lãi trả lên tới 8,8 tỷ đồng cho khoản nợ thẻ 8,5 triệu đồng sau 11 năm rất bất hợp lý. Với dư nợ trên, nghĩa là số tiền lãi mà chủ nợ phải trả mỗi tháng lên tới gần 70 triệu đồng, mỗi năm khoảng 700 triệu đồng. Tính ra số tiền lãi và gốc phải trả gấp 1.000 lần số tiền nợ sau 11 năm.

Quay ngược kim đồng hồ, giả sử số tiền 8,5 triệu đồng gửi vào ngân hàng, nếu vào thời kỳ lãi suất 8%/năm, thì mỗi năm người gửi chỉ được khoảng 680 nghìn đồng tiền lãi, 11 năm được gần 7,5 triệu tiền lãi (nếu để 11 năm không tất toán, lãi mẹ đẻ lãi con cùng lắm số tiền lãi khoảng 10 triệu đồng). Vậy mà ở chiều ngược lại, khi khách hàng mở thẻ tín dụng chỉ với số tiền 8,5 triệu đồng, 11 năm sau phải trả số tiền lên tới 8,8 tỷ đồng quả thực là quá vô lý.

Công ty thẻ của Ngân hàng đã có giải thích sơ bộ, phía Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng đang vào cuộc để làm rõ vấn đề. Bài viết này không bình luận về tính đúng, sai khi chưa có kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Song dưới góc độ dư luận, ngay sau khi báo chí đăng thông tin, rất nhiều người đã khóa thẻ tín dụng, làm ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng nói chung, hệ thống thẻ nói riêng. Và vì vậy, hơn lúc nào hết, để có góc nhìn toàn cảnh, minh bạch về hệ thống thẻ, phía Ngân hàng Nhà nước nên sớm có thông báo rõ ràng về quy định liên quan đến mở tài khoản, sử dụng, vay, chi tiêu, lãi suất, cách tính lãi suất ra sao để các khách hàng hiểu rõ… nhằm tránh tình trạng như thông tin đã đề cập ở trên.

Có vay, có trả, khi người dân và tổ chức tín dụng thực hiện hợp đồng cho vay, nghĩa là hợp đồng đó đã được pháp luật cho phép và công nhận. Tuy nhiên, một khi các khoản nợ thẻ với tiền gốc ở mức tiền triệu (chưa tới 10 triệu đồng như đã nêu trên) mà chỉ trong vòng 11 năm, số tiền lãi và gốc phải trả lên tới 8,8 tỷ đồng là sự bất bình thường.

Vì thế, nhân sự kiện này, đã đến lúc các cơ quan chức năng, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành thanh tra, kiểm tra “thị trường” thẻ tín dụng, nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường (nếu có) để chấn chỉnh, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Hà Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/minh-bach-hoa-thi-truong-the-tin-dung-167749.html