Miệt mài mưu sinh những ngày giáp Tết

Những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều lao động tự do ngược xuôi tìm kiếm thêm việc làm. Mỗi người một công việc, muôn nẻo nhọc nhằn, vất vả. Với họ, giáp Tết là dịp tập trung kiếm thêm thu nhập cho gia đình có cái Tết thêm ấm áp.

Bán cát dịp Tết cũng giúp kiếm thêm được khoản tiền nho nhỏ để phụ thêm mua sắm Tết cho gia đình -Ảnh: TÚ LINH

Dạo quanh các ngã đường, nhất là ở các chợ có quy mô lớn của tỉnh bắt gặp nhiều lao động tìm việc làm thời vụ. Từ công việc nặng nhọc như: bốc vác, gánh hàng thuê đến các việc nhẹ như: bán hàng, vệ sinh nhà cửa, dọn vườn... họ đều đồng ý nhận làm chứ không nề hà, chỉ mong có thêm thu nhập trang trải dịp Tết.

Chợ Đông Hà ngày giáp Tết tấp nập hơn hẵn, nhiều lao động tập trung từ sớm chờ khuân vác, vận chuyển, đóng kiện hàng hóa để các tiểu thương kịp giao cho khách hàng bán lẻ. Khi những chuyến xe hàng ập đến cũng là lúc mọi người có thêm công việc. Mặc dù trời mưa lạnh, nhưng ai cũng cần tiền trang trải cho những ngày Tết sắp đến nên phải chịu khó làm việc gấp đôi so với ngày thường.

Chị Phan Thị Lành ở Phường 5, TP. Đông Hà chia sẻ: “Tôi bình thường đi bán rau củ dạo, nay dịp Tết tranh thủ gánh hàng hóa thuê cho các tiểu thương để kiếm thêm tiền mua sắm. Ngày thường bán rau thu nhập khoảng gần 100.000 đồng/ngày, nay thêm việc gánh hàng nên thu nhập cao hơn. Công việc vất vả nhưng vẫn phải cố gắng vì đây là cơ hội kiếm tiền”.

Chị Lê Thị Quýt ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh chở 2 bao cát trắng đến Đông Hà bán. Chị cho biết, để có cát bán vào dịp Tết phục vụ nhu cầu thay lư hương thờ tổ tiên của mọi người, cách đây vài tháng chị đã cùng các thành viên trong gia đình đi lấy cát trắng sạch trên đỉnh đồi sau làng, về đãi, rửa rồi phơi khô, đóng bao trữ.

Khoảng 20 tháng Chạp, chị chở bằng xe máy đến chợ Đông Hà bán với giá 5 lon cát 10.000 đồng. Để giúp bán chạy hàng, chị bán kèm thêm đồ cúng ông Táo. Chồng chị giúp vợ bằng cách chở cát vào gửi tại nhà một người quen gần chợ Đông Hà để tiện lấy bán hằng ngày.

Mọi năm chị chỉ ngồi một chỗ để bán, năm nay ế ẩm do có quá nhiều người bán chung mặt hàng và dịch vụ giao hàng tận nhà nên sau buổi sáng bán ở chợ, buổi trưa chị chạy xe máy đi bán cát dạo tại các khu dân cư. Nhiều hôm rao khản cổ mà bán không được bao nhiêu. Tuy nhiên, việc bán cát dịp Tết cũng giúp chị kiếm thêm được khoản tiền nho nhỏ để phụ thêm mua sắm Tết cho gia đình.

Vợ chồng anh Đỗ Xuân Minh ở Phường 2, TP. Đông Hà những ngày này cũng ra chợ Đông Hà phục vụ nhu cầu làm mứt gừng cho nhiều người. Anh Minh kể, vợ chồng anh có 2 con trai. Đứa đầu đang học năm thứ tư đại học nông lâm, được nghỉ Tết sớm về đăng ký đi giao hàng kiếm tiền mua áo quần Tết; đứa sau đang học năm thứ nhất đại học mỹ thuật cũng về nghỉ Tết vừa xin được một chân khắc chữ vào dưa hấu bán Tết. Anh chị thì mang bộ dao bào gừng ra chợ, chị thu mua gừng rồi cạo gọt sạch sẽ, còn anh bào gừng thành lát bán cho khách.

“Mua đi bán lại thì lãi ít, nhưng mình bào gừng ra thì có lãi hơn vì cộng thêm tiền công. Trời thì rét, tay dầm nước cắt, gọt, bào gừng, lạnh cóng cả ngày nhưng chịu khó vất vả như vậy để có chút tiền còn hơn không có việc làm”, vợ anh Minh cho hay.

Cháu Nguyễn Thanh Long ở xã Gio An, huyện Gio Linh thì tranh thủ những ngày được trường đại học ở Đà Nẵng cho nghỉ Tết sớm để về quê buôn rau liệt kiếm tiền. Mỗi ngày từ 4 giờ sáng cháu đã chở trên xe máy hai bao rau để kịp vào chợ Đông Hà bán cho người tiêu dùng đi chợ vào buổi sáng. Trung bình bán mỗi bó rau lãi gần 3.000 đồng. Ngày nào may mắn cháu bán được 2 chuyến rau hơn 100 bó. Cháu cho biết tranh thủ khoảng mười ngày trước Tết để kiếm thêm tiền phụ ba mẹ sắm Tết và dành dụm một ít chủ động tiền tàu xe để khỏi xin gia đình.

Không chỉ lao động trong tỉnh, những ngày này những lao động các tỉnh, thành phố khác cũng cật lực mưu sinh tại Quảng Trị. Nguyễn Thị Thu quê ở Nam Định vào TP. Đông Hà bán hàng rong cho biết, hoàn cảnh đưa đẩy nên vợ chồng chị phiêu dạt đến Quảng Trị làm ăn. Ở quê không có ruộng vườn rộng nên cũng chỉ làm thuê để kiếm sống.

Các con anh chị gửi ngoại chăm để vào đây bán hàng rong đồ chơi cho trẻ em, hằng tháng sau khi trừ tiền trọ, chi phí sinh hoạt, vợ chồng chị cố gắng tích góp được khoảng 2 triệu đồng gửi về nuôi con.

Dịp giáp Tết này chồng chị tranh thủ lên chợ hoa xuân ở Công viên Fidel phụ bốc vác và giao hàng cho khách. Anh chị không về quê mà ở lại Quảng Trị mấy ngày Tết vì đầu năm đồ chơi trẻ em bán rất chạy hàng. Hẹn các con sau Tết gia đình mới sum họp.

Những người lao động như chị Lành, chị Quýt, anh Minh, chị Thu... luôn cố gắng kiếm tiền để mang Tết về nhà, dẫu là đạm bạc. Họ đang chạy đua với thời gian, miệt mài làm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bởi, mỗi lần Tết đến là một lần họ lo toan, khi cuộc sống còn đầy những thiếu thốn. Nhọc nhằn, vất vả mưu sinh bằng chính công sức của mình góp phần mang đến cho gia đình họ cái Tết an vui thật đáng trân trọng.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/miet-mai-muu-sinh-nhung-ngay-giap-tet/183339.htm