Miền xưa

Đó là một ngày mùa hè yên ả, Huệ đang chơi nhảy dây cùng các bạn ở ngoài đường thì nghe thấy tiếng la của bố.

Minh họa: ANH DŨNG

Bố đang đạp xe, phía sau bố là chú Quân, có một cái võng được buộc giữa hai chiếc xe đạp, mẹ nằm gọn trong cánh võng, mắt nhắm nghiền rên rỉ, những giọt mồ hôi không ngừng rịn ra trên trán và hai bên thái dương. Bố và chú Quân hàng xóm mím môi cứ thế đạp nhịp nhàng chở mẹ đi sinh. Cũng trên chiếc võng ấy, ba ngày sau, quay về lại nhà nhưng bên cạnh mẹ Huệ là chiếc bọc, bên trong là một đứa trẻ đỏ hỏn. Huệ có thêm em ư? Lần đầu tiên Huệ thấy một đứa trẻ sơ sinh.

Trong trí tưởng tượng của cô, diện mạo của em bé phải là chân tay múp míp, làn da trắng ngần, đôi má phúng phính như em của cái Nụ, cái Vân cùng lớp cơ, nhưng đứa em trai của Huệ trái ngược hoàn toàn với hình dung ban đầu. Một đứa bé với hai cái xoáy trên đầu, mái tóc đen nhánh, dài che phủ gần hết tai. Ngón tay, ngón chân nhỏ xíu, trông nhăn nheo như trán một bà già. Mẹ sinh em, đặt tên là Linh, Huệ tưng tức, nhà có anh trai và Huệ là đủ rồi. Chẳng phải cái khẩu hiệu “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” treo đầu cổng làng hay ở bên hông trạm y tế xã mỗi lần phải đi uống thuốc giun Huệ đều đọc đấy sao?

Mới bảy tuổi nhưng trong tâm trí của đứa trẻ như Huệ đã ý thức được cái nghiệt ngã của đồng tiền gieo xuống gia đình đông con. Bởi mỗi lần cuốc bộ đi học, qua đầu xóm Huệ lại nghe tiếng ông Huấn chửi vợ, moi móc cả gia phả nhà vợ lên mà sỉ vả. Ông đòi tiền mua cút rượu, nhưng đến cắc bạc lẻ cũng không có. Ông vét sạch đáy chum được vài lon gạo để đổi lấy rượu. Đến lúc Huệ đi học về, thấy bà Cải còng lưng gánh rơm về nhà, chiếc quần ống thấp ống cao, đám bùn non bám theo chân bà từ cánh đồng làng về vì chẳng có thời gian gột rửa. Bà lấy vỏ lon sữa Ông Thọ đã gỉ sét đong gạo nấu cơm. Bà khua khoắng cái chum đất kêu rạt rạt nhưng gạo đã không cánh mà bay. Âm thanh chửi bới, lăng mạ, xô xát, đánh đập loang ra cả xóm nhỏ. Chuyện như cơm bữa nên chẳng ai đoái hoài. Chỉ có mấy con chó châu lại sủa lên từng hồi như có trộm.

Trong bụng mẹ, chui ra một đứa em là thêm bao nhiêu chuyện phải lo, phải nghĩ, Huệ giận đứa bé nhỏ xíu da nhăn đó, giận cả mẹ nên chẳng thèm đoái hoài đến em. Mặc cho mẹ gọi lại chơi với em, lấy tã cho em, thay đồ cho em Huệ đều tìm cớ để chạy lảng đi mất. Đứa em ngày nào nằm thu lu trong góc buồng giờ trắng trẻo, ú nụ. Đôi mắt đen láy như hai hạt nhãn tách cùi. Đôi lông mi dài, dày rợp cả nhãn thị. Hiệu ảnh những năm 1999 chưa xuất hiện ở miền Tây xứ Nghệ. Có tay thợ ảnh từ đâu lặn lội về đây, mẹ bế em đi chụp. Em được đặt trên tấm khăn nhung mịn, màu đỏ. Mấy ngày sau họ gửi ảnh về. Huệ nhìn trong sự ganh tị, vì cả anh cả và Huệ chưa từng được chụp ảnh ngày thường như em, phải đợi tết mới được chụp ảnh.

Chăm em cho mẹ đi làm, Huệ mệt mỏi và bực bội vô cùng. Em say giấc, nhưng vẫn phải đung đưa chiếc võng để em ngủ ngon hơn. Tất nhiên chẳng khi nào Huệ dùng bàn tay đưa đẩy võng và nhìn em bằng ánh mắt trìu mến như những tập phim “Bông hoa nhỏ” trên truyền hình cả. Huệ nằm, một chân co duỗi, khuỵu... Chân còn lại đạp nhẹ. Chiếc võng cứ đung đưa trong thinh không. Huệ ru em và ru luôn cả mình vào giấc ngủ. Rồi đứa em bé bỏng ngày nào còn ngủ ngon trong võng chị đưa, đôi bàn tay thơm xòe múa sau tấm lưng của chị nó bây giờ đã biết nghịch dại. Như một con lăng quăng, ngúng nguẩy chạy nhảy suốt ngày. Có ai thấy nó đi bao giờ. Đôi bàn chân đặt lên nền đất là nó chạy, nó leo, nó trèo. Ở quê, đất vườn rộng rãi. Nhà Huệ cũng không ngoại lệ. Căn nhà nhỏ yên bình dưới chân đê.

Cạnh ao có cây xoan, dân Nghi Lộc quê tôi quen gọi thầu đâu. Đứa em từ ngày biết nhảy lò cò, là lúc cây xoan trở nên nhẵn nhụi. Đôi bàn tay quàng vào thân cây, hai chân nhỏ đi từ dưới lên như khỉ. Linh leo lên nhánh chĩa đôi, ngồi vắt vẻo và hát những bài thiếu nhi, lắm khi có lời tự bịa. Leo lên, rồi tụt xuống, cách mặt đất khoảng một mét, nhảy cái phóc trong sự kiêu hãnh rất trẻ con. Huệ sợ nó trượt chân ngã, lắm lúc mượn mấy câu ca cẩm của người già để đe: - Mi mà ngã thì tiền mô vô viện? Hắn đáp gọn lỏn: - Tiền trong túi mẹ, lêu lêu. Rồi phủi đít quay đi. Huệ tức anh ách, chạy vô mách mẹ, chỉ để nhận lại lời ừ ừ cho có lệ. Mặc dù thầu đâu hắn trèo nhanh như một chú mèo, nhưng Huệ vẫn chưa thoát được nhiệm vụ “canh gác” đứa em út nghịch ngợm này.

Trước sân có đống lá tre khô và ít củi mục, Huệ vừa quét tém lại, và đốt cho sạch. Thành sân, có những kẽ hở, hạt thóc nhốt mình vào kẽ hẹp, nảy mầm, mọc lên thành mạ non. Huệ hì hục nhổ, ném vào đống lửa. Linh trèo cây hái lá xoan vứt xuống ao, khói trêu ngươi đôi mắt cay xè. Rồi Linh tụt xuống lẩn vào nhà. Tìm dây thun cắt ra từ xăm xe đạp. Linh cho một đầu vào đống lửa. Xăm làm bằng cao su nên bắt lửa rất nhạy. Linh khoái chí, vung chiếc dây thun lên trời, ánh lửa vung vãi khắp nơi. Giọt nhựa cao su nóng táp một miếng nhỏ vào má Linh. Linh quằn quại thét lên trong đau đớn. Nước mắt mặn lem vào vết bỏng hắn càng gào lên mẹ ơi, mẹ ơi... con đau. Mẹ làm đồng chưa về.

Linh lại nấc lên những tiếng chị ơi… Giọt nước mắt hòa trong tiếng khóc gọi chị. Tiếng kêu thất thanh cùng những giọt nước mắt của Linh làm trỗi dậy tình thương ở Huệ, mà lâu nay chỉ có sự đành hanh. Lần đầu tiên trong đời Huệ biết xót em. Không có một kỹ năng sơ cứu vết bỏng nào, Huệ chỉ biết đi tới, đi lui dỗ dành em, khẩn cầu mẹ về thật nhanh. Vết thương chóng lành, để lại trên má vết thâm. Đánh dấu trò nghịch dại. Đánh dấu ngày người chị biết thương em...

Đến tuổi đi học, thầy giáo nhận Linh làm con nuôi. Mẹ Huệ không lưỡng lự, đồng ý. Không đồng ý cũng không được, bố Huệ theo người đi tìm trầm trên mạn ngược cả năm trời không thấy người; anh cả giờ đã học lớp 6 trường huyện, phải gửi nhờ nhà cô họ. Mang tiếng là đón cháu ra ăn học nhưng anh Hai chẳng khác gì người ở, đi học về thì lăn ra làm đến tối mịt mới được nghỉ ngơi. Mẹ một mình với Huệ và em Linh đã muốn cạn kiệt rồi nên có buồn, có không nỡ cũng đành để Linh đi nhà thầy. Căn nhà vắng tiếng huýt sáo, tiếng hát của Linh trở nên quạnh vắng vô cùng. Ngày Quốc tế Thiếu nhi, mẹ giấm giúi vào tay Huệ mấy đồng bạc. Mẹ bảo mua đèn Trung thu tặng Linh. Huệ mừng rơn, xách chiếc xe đạp chùng chiềng qua mấy thôn.

Ký túc xá cạnh nhà thờ. Huệ bắt gặp Linh đang đang thả gàu xuống giếng múc nước rửa bát. Mấy tháng xa chị, xa mẹ hắn trắng trẻo trông thấy, quần áo sạch sẽ, tinh tươm. Chả bù cho những ngày bên chị, cái đít quần chà lết trên nền sỏi thủng lỗ chỗ. Linh còn biết rửa bát nữa cơ. Miếng xơ mướp xoay vòng quanh chiếc bát, trắng nõn. Bỗng dưng trong lòng Huệ dậy lên niềm nuối tiếc những ngày tháng hai chị em tị nạnh muỗng đẹp của em, bát hoa của chị…

NGUYỄN THỊ LINH HUỆ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-xua-post721593.html