Miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Người dân, chính quyền các địa phương đã triển khai khắc phục hậu quả, dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ để sớm ổn định sản xuất.

*Đến chiều 31-10, tại tỉnh Hà Tĩnh lượng mưa đã giảm. Nhiều xã của huyện Hương Khê nước lũ rút nên người dân, chính quyền địa phương đã triển khai khắc phục hậu quả, dọn dẹp nhà cửa để sớm ổn định sản xuất. Riêng một số xã ở vùng thấp trũng bên sông Ngàn Sâu của huyện Hương Khê và huyện Vũ Quang nước lũ rút chậm, hàng trăm nhà dân cùng nhiều đường giao thông vẫn bị ngập sâu từ 30cm đến 1m gây chia cắt, cô lập.

Cùng ngày, các lực lượng chức năng huyện Cẩm Xuyên đã được huy động vận chuyển 100 rọ đá, 200m3 đá hộc, 500 cọc tre khẩn cấp khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, nguy cơ xung yếu cao tại bờ sông Ngàn Mọ (xã Cẩm Duệ).

Vào lúc 16 giờ 30 ngày 31-10, sau hơn 1 ngày tập trung khắc phục sự cố sạt lở đoạn qua khu gian Yên Duệ - Hòa Duyệt (thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), đường sắt Bắc - Nam đã chính thức thông tuyến.

*Tại Quảng Bình, mưa lớn trong ngày 31-10 làm nhiều ngầm tràn ngập sâu, nhiều tuyến giao thông ở huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa bị sạt lở, chia cắt. Trong đó, đường vào thôn Hà Môn và Mỹ Sơn (xã Cự Nẫm, Bố Trạch) ngập khoảng 1m khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập.

Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong ngày 31-10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk tiếp tục có mưa lớn. Tính đến chiều 31-10, một số trạm đo được lưu lượng như: Thạch Sơn (Hà Tĩnh) 192mm, Trà Giáp (Quảng Nam) 204mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) 225mm, Canh Liên (Bình Định) 119,8mm, Đức Bình Đông (Phú Yên) 124mm, Ea M Doal (Đắk Lắk) 163,8mm...

Từ ngày 1 đến 2-11, trọng điểm mưa là khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định (cường độ phổ biến là 100-200mm, có nơi trên 350mm); khu vực Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có cường độ mưa nhỏ hơn (40-80mm, có nơi trên 100mm).

*Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, tình trạng triều cường, nước biển dâng khiến mực nước các con sông ở miền Bắc và miền Nam ở mức cao hoặc biến đổi chậm. Trong đó, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã đạt 1,34m vào ngày 31-10 và có thể đạt mức 1,4m vào ngày 1-11. Ở Nam bộ, mực nước sông Cửu Long cũng lên do nước triều cao. Dự báo đến ngày 3-11, mực nước cao nhất trên hệ thống sông Cửu Long tại Tân Châu có thể đạt mức 2,85m và tại Châu Đốc đạt mức 2,75m rồi xuống dần. Do mưa nhiều nên đến ngày 31-10, các hồ chứa thủy lợi ở Nam Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên hầu như đã đạt 84%-96% dung tích thiết kế, 9 hồ thủy điện ở Tây Nguyên điều tiết qua tràn.

*Từ ngày 28 đến 31-10 có 4 người chết và mất tích do thiên tai gây ra. Trong đó, 2 người chết do lũ cuốn trôi (Tống Thị Trang, sinh năm 1990 và Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 2010) và 1 người mất tích do lũ cuốn trôi (Nguyễn Thị Hoa, khoảng 30 tuổi) cùng ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh; 1 người chết do cây đổ vào nhà khi mưa to (ông Lý Văn Chầu, sinh năm 1958, ở xóm Lũng Ngần, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-post712248.html