'Miền đất khát' trên cao nguyên đá

Trù Sán là bản xa nhất của xã Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), giáp với địa phận tỉnh Cao Bằng. Từ trung tâm xã, đi xe máy hơn chục kilômét qua con đường xóc như cưỡi ngựa, toàn đá hộc mới vào tới điểm trường mầm non thôn Tù Lủng, tiếp tục đi bộ hơn 1h đồng hồ nữa mới đến nơi. Đây được ví là “miền đất khát” đủ thứ: “khát” điện, “khát” nước, thậm chí “khát” cả một bữa cơm no…

Cao nguyên đá.

“Khát” điện, khát nước

Thôn Trù Sán nằm cách biệt, heo hút, hầu như quanh năm bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc. Vì chưa có đường đi xe, con đường duy nhất để bà con đến với thế giới bên ngoài là đi bộ xuyên qua những vách đá hẹp dựng đứng, phải lách người thật khéo mới qua được. Có những đoạn đường chỉ rộng chừng 2 gang tay, một bên vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Nếu không may sảy chân thì thật có thể cầm chắc hậu quả.

Với kinh nghiệm gần chục năm bám bản, anh Nguyễn Xuân Cháng, cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Làn cho biết: “May hôm nay mây mù mịt dưới chân chứ nếu bình thường trời quang, mây tạnh thì không ai dám nhìn xuống bên dưới vì sẽ không đủ can đảm để mà đi tiếp đâu. Lúc mới nhận công tác, mỗi khi đi bản tôi cũng thấy hơi ghê đoạn đường này, giờ đi nhiều mãi thành quen rồi”.

Thôn Trù Sán có hơn 2 chục nóc nhà, chia làm hai xóm, một xóm ở lưng chừng núi, còn một xóm ở thấp hơn. Không có lấy một cây cỏ dại nào mọc lên, chỉ có thấp thoáng những mảng rêu nâu trên nền đá xám xịt.

Nhà máy thủy điện nằm ở ngay đối diện thôn, nhưng điện và nước thì vẫn còn là ước mơ của người dân Trù Sán. Đứng trên thôn nhìn xuống, dòng Nho Quế uốn lượn như một dải lụa xanh mỏng manh dưới chân núi. Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 được khánh thành năm 2011 với 2 tổ máy, công suất 110MV, hàng năm cung cấp khoảng 500kVh điện, dung tích hồ chứa nước của đập thủy điện lên tới 2,18 triệu mét khối.

Bên kia là đập thủy điện nhưng người dân nơi đây quanh năm thiếu nước trầm trọng, bởi vào mùa khô, có những lúc lòng sông cạn trơ đáy, đến đập thủy điện cũng không đủ nước để vận hành. Trong bản có hệ thống bể chứa nước, lu nước, máng nước… nhưng tất cả đều khô khốc, có chăng thì chỉ là những gạn nước cạn xẹt dưới đáy bể, vàng khè, cáu bẩn vì nó được hứng bởi nước mưa từ trên mái gianh và mái broximăng xuống.

Đầu năm 2015, Nhà nước và địa phương hỗ trợ đầu tư cho người dân tiền xây bể chứa nước nhưng với lượng mưa cực kì ít ỏi. Nghe cán bộ biên phòng nói nước từ mái broximăng xuống ăn sẽ bị ung thư, nên bà con chỉ để dùng cho gia súc, nhưng nhiều khi bí vẫn phải dùng làm nước nấu ăn. Cả thôn sinh hoạt bằng một nguồn nước duy nhất ở gần dưới chân núi, cách thôn 2 tiếng đi bộ. Cái vòi nước chảy ri rỉ, bé tí, được bà con dẫn từ khe về, mà khe dần cũng cạn. Hàng đêm, cả bản phải tập trung từ 7h tối-2h sáng để chờ hứng nước và gùi về nhà.

Nhấc cốc nước trắng xóa những cặn đá vôi, thầy giáo Bế Văn Cương, giáo viên điểm trường Trù Sán lắc đầu cười trừ: “Em thông cảm nhé, ở đây không có nước để mời khách đâu!”. Chỉ vào can nước ở góc tường anh nói thêm: “Nước này mua của dân đấy, 50.000/can, mình không có thời gian đi lấy nước thì đành mua của bà con. Phụ huynh, học sinh cho được chút nào thì đỡ chút ấy thôi. Ở đây tuần mới được tắm một, hai lần. Quần áo thì để dồn cuối tuần mang ra Tù Lủng mới có nước giặt”.

”Khát” một bữa cơm no.

“Khát” bữa cơm no

Cả thôn có 27 hộ với 141 nhân khẩu. 100% là người dân tộc Mông. 100% là hộ nghèo, trong đó có 3 hộ đặc biệt nghèo. Thiên nhiên quá khắc nghiệt với bà con nơi đây. Theo lời kể của ông Lầu Nỏ Lúa (62 tuổi), trước kia, từ xa xưa lắm, khi tổ tiên di cư đến bãi đất bằng này thì có nguồn nước, nhưng theo thời gian nguồn nước ấy cứ cạn dần. Tập quán định cư nên bà con cũng không di chuyển nữa mà ở lại bám trụ, sống chung với tình trạng thiếu nước.

Trưởng thôn Lầu Mí Và (42 tuổi) nghe nói có khách đến thôn, đang cuốc dở đám nương ở dưới chân dốc liền bỏ đấy, lật đật chạy lên. Anh Và có thâm niên làm trưởng thôn được 16 năm, có sáu người con, hai cô con gái đã lấy chồng, ba đứa đi học, còn đứa nhỏ nhất mới chỉ năm tháng tuổi.

Được cho là người sõi tiếng kinh nhất thôn nhưng câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng vì phải chờ “phiên dịch”. Anh Và cho biết: “Ở đây chỉ trồng được một vụ ngô thôi, trồng xen được ít đỗ tương nữa nên năm nào cũng thiếu đói, ít nhất phải 2 tháng. Lúc không đủ ăn, mọi người ai có sức khỏe thì đi làm thuê, không thì cũng đành chịu đói vậy thôi. Ở đây chỉ thèm được ăn một bữa cơm no thôi!”.

Theo chân trưởng bản, tôi đến nhà anh Ly Mí Chứ và chị Sùng Thị Cá. Căn nhà tuềnh toàng bằng phên, gió thổi thốc tứ phía. Cả gia đình đang chuẩn bị ăn sáng và cũng là bữa trưa. Mấy đứa trẻ chừng ba, bốn tuổi ngồi quây bên nồi mèn mén, háo hức nhìn lên nồi nước đang bắc trên bếp. Thấy có khách lạ, chúng chạy vụt vào nép sau lưng mẹ, đưa mắt len lén nhìn, mèn mén vẫn còn dính lem nhem đầy miệng.

Nghe cán bộ biên phòng và thầy giáo bản giới thiệu có nhà báo đến thăm, chị vợ cười, tuôn một tràng tiếng Mông, mà tôi được dịch lại: “Nhà báo đói không? Ăn mèn mén đi! Sáng nay vừa được thầy giáo cho gói mì nên nấu lên với ít rau rừng cho mấy đứa trẻ chan mèn mén, hàng ngày chỉ ăn mèn mén chan nước lã thôi. Tôi tò mò hỏi: “Một ngày chị nấu hết bao nhiêu tô mèn mén?”. Chị thật thà trả lời: “hết 3 tô, tốn lắm, làm suốt mà vẫn không đủ ăn”.

Anh Chứ cho biết, một năm gia đình anh được trợ cấp 5 bao gạo, mỗi bao 15kg, thêm 2 bao gạo công bảo vệ rừng nữa, tổng được 90kg gạo, không đủ cho cả nhà qua những tháng đói. Nghe thầy giáo bản nói, trước đây tài sản lớn nhất của cả nhà là 2 con gà, một trống, một mái, anh Ly Mí Chứ liền cười: “Vừa được Nhà nước hỗ trợ cho một con bò để thoát nghèo, nhà mẹ cho một con bò, nên giờ tài sản to hơn rồi, sắp thoát nghèo rồi”.

Khi được hỏi mong muốn lớn nhất của anh Chứ bây giờ là gì, anh ngoắc đầu, đưa thêm củi vào bếp: “Giờ chỉ ước có nước, có điện có một con đường thôi. Không phải một mình muốn vậy đâu, xóm mình ai cũng muốn như vậy hết. Chỉ cần có những thứ ấy là bà con làm ăn dễ dàng hơn, sẽ không bị đói nữa…”.

Đại úy Hà Văn Đô, Chính trị viên phó Đồn BP Lũng làn chia sẻ: “Bà con quanh năm cặm cụi, chăm chỉ làm ăn, chỉ cần nơi nào có đất là gieo hạt, nhưng nghèo đói vẫn bám riết không buông. Mong sao có sự chung tay của Nhà nước và xã hội để bớt khổ hơn, chỉ cần như thế thôi là anh em chúng tôi đã rất vui rồi”.

Trù Sán – miền đất ấy lùi lại đằng sau cùng với sự im ắng giữa nơi hoang vu của nơi thâm sơn cùng cốc. Hệ thống cây cột điện được dựng ở bản từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chỉ là cột xi măng đứng đó trơ trơ. Bà con Trù Sán vẫn ngày ngày nhìn lên cây cột xi măng ấy với dấu hỏi xoay vòng trong đầu “Bao giờ sẽ có điện?”...

Lê Đào

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/mien-dat-khat-tren-cao-nguyen-da-308161.html