Miền Bắc vào mùa ô nhiễm

Hai ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội có dấu hiệu xấu đi khi nhiều điểm đo lên ngưỡng đỏ (có hại sức khỏe tất cả mọi người). Chuyên gia khuyến cáo, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu bước vào mùa ô nhiễm không khí, đồng thời đề xuất giải pháp thu phí khí thải với các cơ sở sản xuất nhằm hạn chế ô nhiễm.

Các chuyên gia nhận định, Hà Nội sẽ đón nhiều đợt ô nhiễm không khí trong mùa đông tới. Ảnh: Như Ý

Các chuyên gia nhận định, Hà Nội sẽ đón nhiều đợt ô nhiễm không khí trong mùa đông tới. Ảnh: Như Ý

Sẽ có nhiều đợt ô nhiễm không khí

Từ ngày 2/9, chất lượng không khí của Hà Nội có xu hướng xấu đi khi nhiều điểm đo của hệ thống quan trắc thành phố Hà Nội lên ngưỡng đỏ (ngưỡng có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Ô nhiễm nặng nhất vào đêm và buổi sáng, được cải thiện vào buổi chiều dù nhiều điểm vẫn còn ô nhiễm.

Với chất lượng không khí ở ngưỡng đỏ, mọi người được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, tham gia các hoạt động ngoài trời như tập thể dục. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2,5. Với người nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch nên ở trong nhà.

Hiện nay, Việt Nam chưa thể dự báo chất lượng không khí. Tuy nhiên với điều kiện khí tượng hiện tại, bộ phận quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nhận định, ô nhiễm không khí có thể kéo dài tới hết tuần cho đến khi miền Bắc đón đợt mưa dông diện rộng từ đêm Chủ Nhật (6/9).

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, từ nay đến tháng 3 sang năm, nhiều đợt ô nhiễm không khí sẽ diễn ra. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xanh (Green ID) cho thấy, thời điểm tháng 9 hằng năm đến tháng 3 năm sau là giai đoạn ô nhiễm không khí nhất năm, còn được gọi là mùa ô nhiễm không khí khi điều kiện khí tượng thường xuyên xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không thể khuếch tán được. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thường xuyên cập nhật chất lượng không khí hằng ngày để có biện pháp giảm thiểu tác động của ô nhiễm với sức khỏe.

Sẽ thu phí khí thải cơ sở sản xuất?

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định do 4 nhóm nguyên nhân chính gồm: phát thải từ các cơ sở sản xuất, hoạt động giao thông, xây dựng cũng như hoạt động đốt rơm rác, đun than tại các hộ gia đình. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân nội sinh gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội chỉ chiếm 25-30%, có tới 70-75% nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các tỉnh khác và nước khác, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp.

Để hạn chế nguồn gây ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, nhiều chuyên gia, tổ chức đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải. TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Slovakia, Trung Quốc yêu cầu các cơ sở sản xuất phải nộp phí khí thải. Càng thải ra nhiều chất gây ô nhiễm, càng phải nộp nhiều tiền. Từ đó khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế phát thải bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại. Đây được coi là một công cụ kinh tế nhằm giảm thiểu phát thải và tăng nguồn thu để chi cho các hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng không khí. Thực tế tại Việt Nam đã áp dụng phí nước thải nhiều năm qua nhưng phí khí thải chưa được tính đến.

Đại diện tổ chức Green ID chia sẻ, tại một số nước, phí khí thải được thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và những người tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới. Tuy nhiên trong điều kiện của Việt Nam, trước mắt cần tập trung thu phí khí thải với các cơ sở sản xuất.

Tổ chức này khuyến nghị, trước mắt áp dụng phí khí thải với các cơ sở sản xuất lớn phải lắp hệ thống quan trắc tự động, với các cơ sở khác sẽ thu từ năm 2022. Phí khí thải cũng nên được áp dụng với 4 chất gây ô nhiễm bao gồm bụi, NOx, SO2 và CO dựa trên thải lượng của từng chất phát ra theo năm (tấn/năm). Số tiền thu được từ phí khí thải nên được sử dụng phần lớn (ít nhất là 75%) cho 2 nội dung gồm quản lý khí thải (như thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nâng cao năng lực, đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức cộng đồng) và nâng cao năng lực quan trắc không khí xung quanh, tiếp nhận truyền nhận, lưu trữ xử lý số liệu quan trắc phát thải khí từ các cơ sở sản xuất.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đang triển khai đề án thu phí bảo vệ môi trường với khí thải. Đề án đang trong giai đoạn xây dựng, lấy ý kiến các bộ ngành, doanh nghiệp để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/mien-bac-vao-mua-o-nhiem-1716371.tpo