Miền Bắc: Nuôi trồng thủy sản "lệch" mùa vụ?

Vừa qua, tại Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị sơ kết tình hình nuôi trồng thủy sản và phòng trừ dịch bệnh 6 tháng đầu năm ở các tỉnh ven biển, đồng bằng Bắc bộ. Hai vấn đề nóng mà hội nghị thảo luận kỹ là con giống và sai sót trong bố trí lịch thời vụ nuôi thả...

Theo Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT), 6 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) các tỉnh ven biển, đồng bằng Bắc bộ là 172.467 ha, trong đó nước ngọt 128.864 ha, lợ mặn 43.603 ha, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu vụ đến nay, tôm nuôi bị chết do dịch bệnh khoảng 735 ha, chiếm 3,8% diện tích; trong đó các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Quảng Ninh (232ha), Thái Bình (164ha), Nghệ An (73ha). Tôm chết thường tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 ở giai đoạn 20 - 50 ngày tuổi. Ngoài ra, tại Thái Bình dịch bệnh đã xảy ra trên 250 ha ngao nuôi làm thiệt hại khoảng 38 tỷ đồng… Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, tại Hải Dương bệnh xảy ra trên khoảng 1.500 ha nuôi thâm canh cá trắm cỏ và chép lai. Cá chết rải rác từ tháng 4 đến tháng 5, ước tính thiệt hại khoảng 3.000 tấn. Ông Nguyễn Công Dân, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây tôm chết do các hộ mua giống giá rẻ nhập lậu từ Trung Quốc không qua kiểm dịch. Hơn nữa việc thả nuôi không đúng mùa vụ, không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Việc đầu tư cải tạo hệ thống ao nuôi trước mỗi vụ nuôi chưa được quan tâm đúng mức; chất thải và mầm bệnh sau các vụ nuôi không được xử lí là điều kiện phát sinh dịch bệnh… Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, tôm chết do ngư dân thả nuôi “lệch” mùa vụ. “Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, biên độ nhiệt độ ngày và đêm lớn, thêm vào đó thời tiết mưa nắng thất thường, có tuần nóng gay gắt song có thời gian lại mưa dồn dập làm con nuôi sốc nhiệt, cộng với biến động lớn của một số yếu tố môi trường dẫn đến tôm yếu chết. Do đó cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại mùa vụ nuôi” - ông Tuấn nói. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám: Việc xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi trồng thủy sản cho thấy bố trí mùa vụ nuôi có vấn đề, cần phải nghiên cứu lại. Về giống, Bộ sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí KHCN cho các Trung tâm giống thủy sản quốc gia chủ động SX, cung cấp giống sạch bệnh cho người nuôi, nhất là giống tôm thẻ chân trắng nhằm hạn chế giống NK không đảm bảo chất lượng. Để phát triển NTTS bền vững ở miền Bắc phải quy hoạch vùng nuôi cụ thể và áp dụng việc quản lý cộng đồng. Tới đây Liên bộ NN-PTNT, TNMT sẽ có Thông tư về việc giao mặt nước biển cho NTTS. Bộ NN-PTNT cũng đang hoàn chỉnh QĐ ban hành mẫu kiểm nghiệm, kiểm dịch thủy sản… Về SX giống thủy sản nước mặn lợ, các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Nam Định, Hải Phòng chiếm 86% sản lượng giống địa phương ven biển phía Bắc, trong đó về cơ bản Nghệ An đã chủ động được nguồn tôm sú giống. Tuy nhiên các tỉnh này vẫn chưa SX được giống tôm thẻ chân trắng, chủ yếu vẫn phải nhập của Trung Quốc. Ông Lê Xân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS1 cho biết, từ năm 1990 Trung Quốc, Thái Lan đã nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình SX giống tôm thẻ chân trắng. VN là nước du nhập loài này về nuôi, các cơ sở chưa học “mót” được cách SX giống của họ nên vẫn phải phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu. Viện NTTS1 đã bước đầu SX thành công giống tôm thẻ chân trắng, dự kiến năm sau có thể cung cấp giống cho các địa phương. Về giống cá, hiện nay Viện không đáp ứng đủ cho các địa phương nhưng có thể cung cấp cá hương cho các trại ương lên cá giống. Q. Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản Vũ Văn Dũng cho rằng, 6 tháng đầu năm, nổi cộm nhất vẫn là vấn đề kiểm tra chất lượng giống trước khi thả nuôi, sự chỉ đạo tuân thủ mùa vụ nuôi ở một số địa phương chưa triệt để, dẫn đến dịch bệnh xảy ra. Tại Quảng Ninh, việc nhập lậu con giống tại km15 đi Móng Cái khá rầm rộ, chưa có sự phối hợp kiểm soát giữa các ngành. Do vậy 6 tháng cuối năm các tỉnh cần tăng cường kiểm dịch, xây dựng quy chế phối hợp xuất nhập giống giữa các địa phương để đảm bảo 100% tôm giống qua kiểm dịch, đảm bảo chất lượng trước khi thả nuôi. Đề nghị Bộ NN-PTNT có kế hoạch phân bổ vốn lưu giữ thủy sản giống gốc, giống bố mẹ; bố trí kinh phí cho việc số hóa cơ sở, vùng nuôi trọng điểm đủ điều kiện đảm bảo VSATTP…

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/45/45/45/36913/default.aspx