Mexico: Dân quân tự vệ đương đầu với bạo lực

Giới chức chính quyền Mexico thông báo vào hôm 27/1, lãnh đạo các nhóm "tự vệ" bang Michoacan đã đồng ý ký kết thỏa thuận về việc công nhận họ trở thành lực lượng giữ gìn an ninh chính thức bên cạnh các lực lượng khác của chính quyền. Các nhóm tự vệ nổi lên vào năm 2013 nhằm đối đầu với tập đoàn ma túy Knights Templar, cố sức giành lại vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của bọn chúng.

Trong nỗ lực ngăn chặn xung đột vũ trang lan rộng, chính quyền Mexico đã gửi hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát liên bang đến khu vực giao tranh để lập lại trật tự và yêu cầu các nhóm tự vệ giải giáp nhưng đã bị từ chối và cuối cùng quyết định hợp tác với họ hơn là đối đầu.

Lực lượng dân quân tự vệ chống tội phạm ma túy

Josue Benitez kiếm được hơn 1.000 USD/tuần nhờ nghề vẽ bảng hiệu ở thành phố San José, bang California miền Tây nước Mỹ. Nhưng, giấc mơ Mỹ chấm dứt khi Benitez bị cảnh sát bắt giữ vì tội lái xe trong tình trạng say xỉn và sau đó bị trục xuất khỏi nước này. Sau 18 năm sống ở Mỹ, cuối cùng Benitez quay về Buenavista Tomatlan, Mexico ngay lúc địa phương đang thành lập nhóm dân quân tự vệ chống lại tập đoàn tội phạm ma túy Knights Templar. Không công ăn việc làm, Benitez chộp ngay cơ hội và trở thành thành viên nhóm tự vệ được trả lương 20 peso/ngày (khoảng gần 10 USD) - số tiền tương đương với thu nhập của phần đông nông dân bang Michoacan của Mexico.

Thường thì thành viên các nhóm tự vệ không được nhận lương nhưng những người bảo vệ mục tiêu đều được trả công. Benitez trải qua 6 ngày trong tuần canh gác tại một chốt và được nghỉ một ngày. Nhưng, Benitez cho biết anh cầm súng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, chống lại tội phạm ma túy chứ không phải là lính đánh thuê. Sau khi chính quyền Mỹ thực hiện lệnh trục xuất hàng loạt dân nhập cư người Mexico từ năm 2009 đến 2012, phần đông người xa xứ quay trở về bang Michoacan và gia nhập các nhóm tự vệ như trường hợp Benitez. Nhiều người vẫn để vợ con ở lại Mỹ cho nên họ không sợ bị bọn Knights Templar trả thù.

Một thành viên tự vệ khác ở làng Paracuaro tên là Manuel cũng nhiều lần đụng độ với Knights Templar. Manuel cùng với gia đình di cư sang Mỹ từ lúc mới 4 tuổi và về sau gia nhập băng nhóm tội phạm đường phố "Barrio 18". Sau khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, Manuel cũng bị trục xuất về Mexico. Khi trở về quê hương, Manuel làm việc cho Knights Templar bởi vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Anh cho biết: "Hầu như mọi người ở làng Paracuaro đều làm việc cho Knights Templar nếu không sẽ bị bọn chúng giết chết. Một tên chỉ huy được gọi là Sierra biết tôi từng sử dụng súng ống cho nên tuyển mộ tôi ngay".

Manuel điều chế methamphetamine trong các phòng thí nghiệm bí mật. Nhưng, khi các nhóm tự vệ bắt đầu nổi lên ở làng Paracuaro vào đầu năm thì Manuel quyết định gia nhập lực lượng này. Manuel cho biết cảnh sát liên bang Mexico cũng giúp đỡ nhiều cho các nhóm tự vệ.

Chính quyền Mexico cảm thấy lực lượng dân quân tự vệ là công cụ có ích để gây rối loạn hàng ngũ Knights Templar làm mưa làm gió khắp bang Michoacan, can thiệp vào các dự án nông thôn và tống tiền doanh nghiệp. Tuy nhiên, giới chức chính quyền cũng lo ngại trước sự bành trướng quá nhanh của lực lượng này.

Cuộc chạm súng giữa dân quân tự vệ và bọn tội phạm ma túy Knights Templar ở Nueva Italia, bang Michoacan, vào đầu năm nay.

Hợp tác giữa các lực lượng chính quyền Mexico và lực lượng dân quân tự vệ

Theo thỏa thuận mới ký kết giữa chính quyền và lãnh đạo các nhóm tự vệ, các nhóm tự vệ sẽ được biên chế thành Lực lượng Tự vệ Nông thôn (RDC) nằm dưới sự kiểm soát của quân đội đồng thời chấp nhận báo cáo về nhân lực và vũ khí với chính quyền liên bang. Các nhóm vũ trang tình nguyện như thế này hình thành từ thế kỷ XIX giai đoạn hỗn độn trong lịch sử Mexico, nhằm gìn giữ hòa bình cho các vùng nông thôn khi mà các lực lượng an ninh của chính quyền không thực thi nhiệm vụ của họ tại những nơi hẻo lánh này.

Thỏa thuận cũng kêu gọi thành viên các nhóm tự vệ gia nhập lực lượng cảnh sát thành phố để trở thành nhân viên chính thức. Vào đầu năm nay, lực lượng cảnh sát thành phố đã sa thải rất nhiều sĩ quan và bắt giữ hơn 1.200 cảnh sát sau khi chính quyền liên bang buộc hàng trăm cảnh sát phải qua cuộc điều tra đánh giá mức độ đáng tin cậy do không ít người dân nghi ngờ họ là tai sai của bọn tội phạm ma túy.

Cũng trong ngày 27/1, chính quyền liên bang thông báo đã bắt giữ một thủ lĩnh quan trọng của tập đoàn ma túy Knights Templar là Dionisio Loya Plancarte trong một căn nhà ở thủ phủ Morelia của bang Michoacan. Trước đó, chính quyền đã treo giải thưởng 2,25 triệu USD cho thông tin giúp bắt giữ trùm ma túy này. Ngoài ra, vừa qua chính quyền Mexico cũng đã bắt giữ 38 nghi can tội phạm ma túy trong đó bao gồm bố già Jesus Vasquez Macias, 37 tuổi.

Nhưng, để đạt được thỏa thuận mới với lãnh đạo các nhóm tự vệ, các lực lượng chính quyền Mexico nhiều lần đụng độ với họ trong thời gian dài. Một số nhà phân tích - trong đó có Sergio Sarmiento, nhà báo chuyên mục cho tờ Reforma - nhận định thời gian qua chính quyền Mexico phải trả giá vì không thể giải giáp được các nhóm tự vệ khi họ bắt đầu nổi lên vào năm 2013 tại nhiều khu vực, đặc biệt là ở Michoacan và bang biên giới Guerrero.

Trong khi đó, lãnh đạo các nhóm tự vệ từ chối giải giáp dẫn đến sự chạm trán giữa phe này với lực lượng chính quyền - một kịch bản mà các nhà phân tích cho rằng đáng lo ngại trong khi kẻ thù chung là bọn tội phạm ma túy thì ngày càng lộng hành

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2014/2/82538.cand