Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy: Nén đau thương thành hành động

Ngày 30-4-1975 đặt một mốc son vẻ vang và hào hùng khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Trang sử vàng chói lọi, bản anh hùng ca của dân tộc không chỉ được viết nên bằng lòng quả cảm của những người con không tiếc máu xương cho độc lập, tự do, mà phía sau đó còn được tiếp sức bởi sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng nơi hậu phương. Chiến tranh kết thúc, không có niềm vui nào bằng ngày đoàn viên, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng mà các con không trở về.

Đã hơn 50 năm, khoảng thời gian đủ để chữa lành những vết thương trên thân thể của bất cứ ai, nhưng lại không đủ làm nguôi ngoai nỗi đau cũng như xóa nhòa bao điều đã in sâu trong ký ức của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Năm nay mẹ Bảy 92 tuổi. Vì hòa bình mà biết bao thế hệ đã ngã xuống để có được, trong đó có cha chồng, chồng và hai con của mẹ.

Năm 1968, chồng của mẹ là liệt sĩ Trần Văn Khái hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ trở thành góa phụ ở tuổi 39. Nén nỗi đau, mẹ cố gắng sống để thay chồng chăm lo cho các con, chỉ mong các con được sống trong yên vui, hạnh phúc. Nhưng rồi, chiến tranh khốc liệt kéo dài, năm 1973, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, mẹ lại lần lượt tiễn con trai là Trần Văn Của và con gái Trần Thị Hoàng lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nơi chiến trường, các con của mẹ đã anh dũng chiến đấu. Chốn hậu phương, mẹ gắng lao động, sản xuất và luôn vững niềm tin, hy vọng ngày đoàn tụ cùng các con.

Giỏ hoa tươi thắm thay lời tri ân của những người con dành cho mẹ Bảy nhân Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7)

Thành viên của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Bù Đăng thường xuyên đến thăm nom, chăm sóc mẹ

Mẹ Bảy kể, mỗi lần có người lạ đến là mỗi lần tim mẹ loạn nhịp. Bởi có thể sẽ mang đến lá thư của con mình nhưng cũng có khi là một tờ thông báo mà không người mẹ nào muốn nhận. Đau đớn thay, tờ giấy đầu tiên mà mẹ nhận được từ khi các con lên đường chiến đấu không phải là lá thư mẹ mong nhớ mà là giấy báo tử của con trai Trần Văn Của. Còn con gái mẹ dù không có giấy tờ chính xác nhưng mẹ cũng hay tin con gái đã hy sinh ở tuổi đôi mươi. Không thể kể hết nỗi đau quặn thắt tim gan của người mẹ khi lần lượt mất chồng cùng những người con thân yêu.

Hơn 50 năm nhưng nỗi đau mất chồng và hai con vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng mẹ Trần Thị Bảy

Nhớ chồng, nhớ con, mẹ Bảy lại ngắm nhìn những kỷ vật năm xưa

Mẹ Bảy rưng rưng: “Kho đạn nổ, các anh chị hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Giấy báo tử gửi về chứ mẹ không tìm được xác. Buồn lắm! Nhưng chưa một lần mẹ cảm thấy hối hận, mẹ tự hào khi Mỹ cút, ngụy nhào…, các con của mẹ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đã đi qua gần hết đường đời, nếm đủ ngọt, bùi, cay đắng, mẹ thấm đẫm giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Đó là sự đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu của các anh hùng liệt sĩ và có cả nước mắt, sự hy sinh cao cả của những người mẹ.

“Mẹ vẫn thường kể về cha, về các anh, chị đã hy sinh. Mỗi khi thắp nén nhang trước di ảnh, mắt mẹ lại rưng rưng. Mẹ đã mất mát rất nhiều, thế nhưng nén nỗi đau mất chồng, mất con, mẹ lại tần tảo nuôi tôi và em trai khôn lớn. Thương mẹ, tôi chỉ biết động viên, chăm lo cho mẹ thật tốt để mẹ luôn an lòng”.

Ông TRẦN VĂN SƠN, con trai mẹ Bảy

Chồng và hai người con thân yêu của mẹ đã không thể về bên mẹ dù chỉ là nắm tro cốt. Thân xác họ đã vùi sâu dưới lòng đất để những mầm xanh được mọc lên trong bình yên. Hôm nay, khi đất nước được độc lập, mẹ vẫn còn hai người con luôn yêu thương thay anh, chị chăm sóc và bù đắp những mất mát cho mẹ. Và còn rất nhiều những người con khác - đồng đội của các con của mẹ, luôn dành thời gian đến thăm hỏi, chăm sóc mẹ bằng tất cả tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng tri ân sâu sắc.

“Mẹ Trần Thị Bảy là Mẹ Việt Nam anh hùng đặc biệt khi cha chồng, chồng và hai người con thân yêu đều hy sinh vì độc lập dân tộc. Sự yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ của chúng tôi dành cho mẹ càng nhân lên gấp bội. Chỉ mong mẹ sống thật vui, khỏe để thế hệ sau có cơ hội được nuôi dưỡng, chăm sóc, đền đáp công ơn to lớn của mẹ”.

Ông VŨ ĐÌNH LUẬT, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Bù Đăng

Sự hy sinh quá đỗi lớn lao của mẹ Trần Thị Bảy và hàng chục ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng khác trên khắp mọi miền Tổ quốc như có sức lan tỏa mãnh liệt, để thế hệ chúng ta hôm nay tự nhủ phải sống tốt hơn, xứng đáng hơn nữa.

Thiên Thư

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/146853/me-viet-nam-anh-hung-tran-thi-bay-nen-dau-thuong-thanh-hanh-dong