Mẹ và Nhà máy Sứ Hải Dương

Trước mắt tôi giờ là một thành phố trẻ đẹp, phát triển, nhưng hình ảnh mộc mạc, bình yên về TP Hải Dương - nơi tôi sinh ra và lớn lên những năm tháng tuổi thơ với hình ảnh mẹ và Nhà máy Sứ Hải Dương vẫn vẹn nguyên trong tâm trí.

Cổng Nhà máy Sứ Hải Dương đã cũ

Sáng mẹ dậy sớm lắm, tất bật sửa soạn đồ ăn cho tôi rồi khoác lên mình bộ quần áo công nhân ngả màu, vội vàng leo lên chiếc xe đạp để kịp giờ làm, khi tiếng còi tầm vang lên. Ngày đó còn sụng sịu vì phải dậy sớm đi học, nên tôi vô tâm không biết mẹ được ăn gì chưa. Bố thì phải trực đêm, chỉ về nhà sau khi tôi và mẹ đã đi khỏi.

Ngày tôi còn nhỏ, thành phố còn thưa vắng xe cộ. Nhưng trên con phố Phạm Ngũ Lão thì dường như ngày nào cũng tấp nập, bởi muốn vào trung tâm thành phố là phải đi qua đây. Không chỉ vậy, Nhà máy Sứ Hải Dương - nơi từng được mệnh danh là biểu tượng của Hải Dương cũng nằm trên con phố này. Tuổi nhỏ, tôi không rõ con số chính xác là bao nhiêu, nhưng ngày đó những buổi trưa đợi mẹ về trước cổng nhà máy tôi luôn thấy công nhân đông kín, ai cũng muốn về nhà thật nhanh, ăn vội bữa cơm để lại kịp giờ làm chiều.

Những ống khói lớn là đặc trưng của Nhà máy Sứ Hải Dương

Ở những năm 90 thế kỷ trước, công nhân Nhà máy Sứ được coi là "nghề cao quý" mà ai cũng tự hào khi được làm việc ở đây.

Gần như sau mỗi buổi cắp sách tới trường, nơi tôi phải đến đầu tiên là Nhà máy Sứ Hải Dương. Bởi vậy, tôi được đặc cách ra vào vì các ông bảo vệ đã quá “nhẵn mặt”. Dù là thường xuyên nhưng lần nào tôi cũng hào hứng khi vào trong nhà máy, quen thuộc với những gốc nhãn già sum suê và cái mùi nồng nồng của đất nung tỏa ra từ xưởng sấy nơi mẹ làm, ra sức hít hà thích thú. Thích tới nỗi mà hồi nhỏ tôi chỉ ngủ được khi rúc vào mẹ để ngửi nốt cái mùi quện vào người nguyên cả một ngày trời trong xưởng, mẹ có tắm cũng chẳng hết được.

Tôi cứ hình dung xưởng sấy là nơi giống cái lò bát quái mà hè nào cũng được xem trong phim Tây Du Ký. Nóng kinh khủng. Vậy mà mẹ tôi và những công nhân cùng xưởng phải làm việc 8 tiếng trong ngày, thậm chí nhiều hơn vào những ngày tăng ca.

Hình ảnh công nhân Nhà máy Sứ Hải Dương làm việc chỉ còn trong dĩ vãng (ảnh tư liệu)

Lần nào đến cũng vậy, tôi cố nán lại vì thích thú và tò mò với cái dây chuyền sấy gốm, cứ chạy từ lò sấy trước mặt xuống gầm sàn ngay dưới chân, thật thú vị. Nhưng rồi cũng chỉ chịu được cái nóng tầm 15 phút là cùng, tôi lại chạy ngay ra ngoài dưới tán cây nhãn mát lịm ngay đầu xưởng.

Ngắm nhìn không gian rộng lớn trong nhà máy với những tán cây xà cừ già cao lớn, trải dài dẫn vào các nhà xưởng luôn thôi thúc đôi chân một đứa trẻ hiếu động như tôi khám phá. Nhưng khi nhận ra là mình không được phép, tôi chỉ biết đứng nhìn và tưởng tượng ra cái “thành phố nhỏ” với nhiều nhà xưởng, ống khói lớn sẽ như thế nào.

Tôi về theo mẹ, chiếc xe đạp mini mẹ đã cẩn thận lót thêm tấm đệm phía sau để tôi ngồi cho êm. Ngồi phía sau, tôi cảm nhận được sự mệt mỏi của mẹ. Mồ hôi đã làm ướt đẫm tấm áo công nhân, đọng thành giọt trên khuôn mặt chứa ánh mắt cười khi mẹ nhìn tôi hỏi liên tục: “Ôm vào mẹ, về nhà nhé!”, “Đi học có vui không?”, “Hôm nay con thích ăn gì?”… Tôi vờ như không nghe thấy mẹ hỏi, chỉ áp mặt vào lưng áo còn ướt mồ hôi, còn nồng mùi gốm.

Những sản phẩm gốm dang dở, không còn được hoàn thiện

Giờ đây khi quay lại, Nhà máy Sứ Hải Dương - nơi mẹ từng làm đã không còn chỗ đứng. Nhà xưởng cũng đang dần phá dỡ để thay thế bằng những dự án mới làm đẹp cho đô thị.

Cầm theo máy ảnh và lần mò hết mọi ngõ ngách, nhà xưởng để lưu lại những tấm hình cho mẹ và cũng là cho chính tôi. Tôi hạnh phúc vì ước mơ khám phá nơi này thời còn nhỏ đã được thực hiện. Nhưng cũng tiếc nuối vì biểu tượng vàng son một thời của thành phố sắp không còn - nơi mà tuổi thơ tôi từng gắn bó.

TRƯỜNG THÀNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/me-va-nha-may-su-hai-duong-377583.html