Mẹ tôi và món bánh lá mơ

Giờ đã gần cái tuổi thất thập cổ lai hi, ấy vậy mà đôi khi cõi lòng trống vắng buồn tênh, có lúc nao nao nhớ về thời tuổi thơ hồn nhiên sống bên cha mẹ. Triết lý mà nói thì thì con người ta dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa cũng luôn cần những lời răn bảo của cha mẹ. Lời khuyên ấy luôn là liều thuốc nhiệm mầu giúp ta chính chắn, hoàn thiện hơn. Cha mẹ chính là cây cao bóng cả, lá ánh đuốc soi đường đưa chúng ta đi đúng đường quang nẻo phải…

Nhớ mẹ tôi ngày ấy cũng như những người nông dân chân chất, người phụ nữ Việt Nam đảm đang, với đôi bàn tay gân guốc rám nắng tần tảo một nắng hai sương ngoài đồng ruộng. Hồi ấy ở những làng quê vùng nông thôn rất ít người làm các loại bánh dân dã từ bột gạo nếp để bán ngoài chợ. Nhà đông con, nếu bỏ tiền ra mua thì phải chi khoản tiền khá lớn. Tuổi thơ chúng tôi được mẹ nuôi lớn từ những tấm bánh nhà quê, từ củ khoai chạc, mớ tép chong, tép bạc, những con cá nhỏ gọi là lòng tong, hủn hỉn,… Mẹ tôi - người phụ nữ thuần túy miệt nông thôn không những giỏi việc đồng áng mà giỏi cả chuyện bếp núc, may vá và thuộc “hàng chuyên gia” các loại bánh dân giã từ gạo nếp...

Nhớ mẹ tôi ngày ấy cũng như những người nông dân chân chất, người phụ nữ Việt Nam đảm đang, với đôi bàn tay gân guốc rám nắng tần tảo một nắng hai sương ngoài đồng ruộng. Hồi ấy ở những làng quê vùng nông thôn rất ít người làm các loại bánh dân dã từ bột gạo nếp để bán ngoài chợ. Nhà đông con, nếu bỏ tiền ra mua thì phải chi khoản tiền khá lớn. Tuổi thơ chúng tôi được mẹ nuôi lớn từ những tấm bánh nhà quê, từ củ khoai chạc, mớ tép chong, tép bạc, những con cá nhỏ gọi là lòng tong, hủn hỉn,… Mẹ tôi - người phụ nữ thuần túy miệt nông thôn không những giỏi việc đồng áng mà giỏi cả chuyện bếp núc, may vá và thuộc “hàng chuyên gia” các loại bánh dân giã từ gạo nếp...

Thôi thì cứ sẵn gạo, sẵn nếp, rau củ có sẵn tại nhà mà mặc sức trổ tài làm các loại bánh dân dã như: bánh xèo, bánh khọt, bánh bò, bánh lọt, bánh lá mơ,... Muốn ăn bánh xèo, bánh khọt thì cứ lấy gạo tự ngâm và xay bằng cối quay tay tại nhà. Tép đất, tép bạc được cất lên từ nò, từ vó, từ việc tát vũng, tát mương. Thế là cứ chiên lên rồi ăn với các loại rau mọc tự nhiên như: lá cách, lá bồ ngót, đọt chùm ruột, rau càng cua,... thì ngon phải nói. Ngoài vườn hay trên các con giồng cát đến mùa mưa xuống biết bao loại rau tự nhiên mọc lên xanh tươi tốt.

Hồi ấy nhà nào có đất giồng rộng, hay vườn dừa thì phải nói sẽ thừa hưởng cả kho thiên nhiên là các loại rau trời. Chúng mọc tự nhiên từ đất và cứ thế lớn lên sởn sơ khỏe mạnh chẳng cần ai chăm bón và đảm đương sứ mệnh: cung cấp vitamin, chất khoáng nuôi lớn con người. Hễ cứ đến tháng Ba, tháng Tư trở lên thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Tiết trời độ ấy chưa phải mùa mưa dầm nên có lúc oi bức lắm, mẹ tôi nói thời tiết giao mùa dễ bệnh tật nên năm nào cũng làm món bánh lá mơ là vị thuốc trị bá bệnh, nhất là chứng đầy bụng chậm tiêu của trẻ nhỏ. Bọn tôi có biết gì về loại lá quý này nhưng cứ tưởng tượng được ăn món bánh thơm lừng mềm mại chấm với nước cốt dừa thì đứa nào cũng khoái chí, mê tơi luôn.

Một ngày nọ bọn trẻ ra vườn bỗng phát hiện giống dây leo có lá thuôn dài màu xanh ngan ngát bám quanh gốc dừa, chúng tinh nghịch leo lên cả hàng rào, có khi bò lan man dạo chơi trên những cành cây mục dưới đất. Chợt nghe như có mùi thơm lan tỏa đâu đây, bọn trẻ tò mò vò thử vài chiếc lá đưa lên mũi hít lấy hít để. Chao ôi, một mùi thơm đậm đến khó tả! À thì ra đó là lá mơ, cái thứ lá được mẹ xắt nhuyễn xay chung với gạo, trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ để trở thành thứ bánh màu nâu đen thơm phưng phức đến nứt mũi, chính là nó đấy! Nhớ khi xưa mẹ thường ngâm gạo tẻ xay chung với lá mơ thêm chút ít muối bỏ vào chiếc bao vải nho nhỏ thường gọi là bồng - loại túi vải đựng vài 3 lít gạo - từ chiều hôm trước. Xong mẹ dùng tấm thớt và cục gạch dằn lên để bột rỏ nước. Sáng ra thức dậy, bột lỏng hôm qua đã thành một khối bột màu vàng phớt xanh.

Muốn làm được bánh lá mơ thì nhất nhất phải làm đúng quy cách: nếu là bánh nắn trên lá mít, lá dừa nước thì mẹ pha thêm tí nước ấm nhồi lại cho bột nhão ra để dễ nắn trên lá. Nếu muốn làm loại bánh cụt thì phải cho nguyên bồng bột vào nước sôi đun khoảng vài phút thì vớt ra, bà con gọi nôm na là lấy trùng. Lúc này mở bồng ra, ta thấy lớp vỏ bột bao ngoài đã trong, còn lớp bột tận sâu bên trong âm ấm. Mẹ bỏ ra thau dùng tay nhồi thật mạnh khoảng hơn 5 phút thì bột đã trở thành khối dẽo quánh. Thế là cứ tạo tác thành hình con đuôn, con sùng, con bướm hay con vật nho nhỏ xinh xinh tùy thích.

Nói gì thì nói làm bánh mơ nắn trên lá mít hay lá dừa nước, tuy mất thời gian nhưng hấp mau chín và khi ăn vào ta nói thơm mùi lá mơ hòa quyện với mùi của lá mít, lá dừa, thiệt đặc sắc gì đâu. Làm sao có thể quên được không khí gia đình đầm ấm ngày ấy, mấy chị được mẹ phân công nạo dừa vắt nước cốt, anh trai và tôi đi hái lá mít, chặt lá dừa nước về rửa sạch sẽ bỏ vào cái lồng bàn lật ngữa xếp nghiêng cho ráo nước.

Vui nhất thích nhất là được tự mình nắn bánh vào lá. Nắn bột trên lá dừa nước thì không có gì là khó. Mẹ đặt cục bột màu vàng xanh đặc sệt bốc mùi thơm trên đầu lá, rồi mẹ làm mẫu cho chúng tôi xem. Bốn chị em cứ trố mắt nhìn mẹ làm mà không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Xem kìa, mẹ tôi dùng hai ngón tay cái vừa nắn vừa kéo bột xuống thật thuần thục, hai ngón trỏ cầm hai mí lá phía dưới để dễ dàng xê dịch tàu lá.

Mẹ căn dặn nhớ phải đều tay nghen mấy con. Còn nắn bánh trên lá mít thì dễ dàng hơn bởi lá bầu tròn, chỉ cần cục bột lớn hơn ngón chân cái người lớn là đã phủ bột đều trên mặt trái của lá. Khi nắn gần đến chỗ đuôi lá mẹ bảo tụi tôi dừng lại. Thì ra sau khi rửa sạch mớ lá mít chờ ráo, mẹ tôi đã âm thầm dùng con dao nhíp rạch một đường rãnh độ chừng nửa phân để khi nặn xong, cuống lá được bẻ cong lại lòn qua cái khe nho nhỏ mẹ vừa rạch.

Chiếc lá mít đầy bột trên mặt trái lá uốn cong lại trông ngộ nghĩnh làm sao. Mẹ bảo phải làm vậy để khi xếp vào chỏ xôi sẽ tạo ra rất nhiều khe hở, hơi nước từ dưới sẽ bốc hơi nóng lòn vào những khoảng hở ấy giúp bánh chín đều, không bị hiện tượng bánh “bị nín” chỗ sống chỗ chín. Chụm củi đun lên khoảng nửa tiếng đồng hồ là được. Mở nắp xoong, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt.

Trong không gian yên bình của buổi trưa quê, mùi lá mơ thêm lừng hòa quyện với mùi thơm nước cốt dừa béo ngậy sền sệt chị Hai tôi vừa quậy xong tạo nên một mùi đặc trưng khó tả. Bọn trẻ nhà quê cứ phập phồng cánh mũi, miệng hít hà với tất cả nỗi háo hức vì chốc nữa chắc chắn sẽ được ăn ngon…

Sao mà yêu mà nhớ cái mùi hương kia đến thế, có phải người ta thường nói một cách văn vẻ: vì đó là mùi vị của quê hương. Làm sao tụi tôi có thể quên được những ngày cùng phụ mẹ làm và sau đó được quây quần bên nhau trong gian nhà lá đơn sơ mà đầy ắp tiếng cười.

Chao ôi, nhớ quá đi thôi những miếng bánh vừa được gỡ ra khỏi những chiếc lá nóng hôi hổi, óng ánh một màu đen nâu bóng mượt và dậy lên mùi thơm lá mơ khó tả. Cuộn tròn miếng bánh còn âm ấm chấm vào chén nước cốt dừa pha đường sền sệt rồi bỏ vào miệng thong thả nhai. Nhớ mãi hương vị quê, hương vị tuổi thơ ngày ấy.

Có lẽ với bọn tôi ngày ấy, không còn món bánh quê nào ngon hơn thế nữa… Chẳng phải tụi con nít thời xưa vì ít bánh trái, vật thực như bây giờ nên ăn thứ gì cũng thấy ngon đâu. Món bánh quê của mẹ ngày xưa là hội tụ tất cả: sự dịu dàng tinh tế từ tình mẫu tử thiêng liêng, và cả vùng trời bình yên của bà mẹ thiên nhiên hào phóng ban tặng. Bỡi lẽ tuổi thơ chúng tôi, lớp nông dân là cha mẹ tôi thuở ấy, chưa hề biết sống trong mùi thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ dại. Tất cả nguồn rau trời trong đó có lá mơ xanh kia là cả kho báu thanh sạch và bổ dưỡng nuôi lớn con người…

Chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp và thật sự đang quay cuồng trong một nhịp sống hối hả, làm sao có thể tìm lại không khí gia đình thuần nông cùng xúm xít xay bột làm bánh lá mơ của ngày xưa?! Ký ức về mẹ tôi và những chiếc bánh lá mơ chỉ thi thoảng hiện về trong giấc mơ thôi. Dòng hoài niệm tắm mát tâm hồn, thanh lọc trí não để chúng ta càng thấy yêu thấy nhớ quê hương, lai láng chảy trong hồn tôi da diết đến nao lòng.

LÂM HIỀN AN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/me-toi-va-mon-banh-la-mo-29121.html