Mẹ đi viện, tôi hỏi tiền chồng, anh nói một câu muối mặt

Nghe câu chồng nói, tôi tắt lịm hi vọng. Đó không chỉ là hi vọng về số tiền chữa bệnh cho mẹ mà còn là hi vọng về một tương lai hạnh phúc.

5 năm lấy chồng, tôi nhận ra mình sai lầm khi chọn ở nhà nuôi con. Nghe lời ngon ngọt của chồng: “Em cứ ở nhà lo cho con khôn lớn. Khi nào con cứng cáp đi lớp, em thích đi làm thì đi”.

Tôi sợ khi đó có tuổi sẽ khó xin việc nhưng chồng lại động viên: “Nếu em không xin được việc, anh sẽ hùn vốn cho em mở một cửa hàng nhỏ, em thích buôn bán gì thì buôn. Thu nhập của anh thế này, anh lại không lo được cho em, để em phải chịu vất vả à?”.

Tôi thật chua chát khi nghe những lời chồng nói. Ảnh minh họa. Nguồn: Pxfuel

Tôi tin vào những lời nói đó nên suốt nhiều năm qua, nhiều lần tôi ngỏ lời đi làm hay mở cửa hàng, chồng đều phớt lờ. Lúc nào anh cũng lấy lý do con cái ra để ép buộc tôi ở nhà. Khi thì con nhỏ, khi thì con phải học, phải có người kèm, khi thì anh biến tôi thành osin lo cho bố mẹ anh vào viện chữa trị.

Mẹ anh bị tiểu đường, bố thì bị suy thận giai đoạn sớm. Tôi biết, con cái hiếu thảo với bố mẹ là tốt. Tôi cũng cần có trách nhiệm với gia đình chồng nhưng anh không thể biến tôi thành người chỉ ở nhà đón rước bố mẹ anh vào viện. Còn anh là con trai ruột lại thờ ơ, coi đó là trách nhiệm của người làm dâu. Nhiều lần tôi phàn nàn thì anh dọa nạt: “Cô giỏi thì tự đi kiếm việc mà làm”.

Nhiều năm tôi chăm con, chưa từng nhờ bố mẹ chồng trông một ngày. Nhưng đến giờ, anh quy mọi trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng lên đầu tôi. Một tháng, anh đưa cho tôi 10 triệu đồng, để tôi trang trải mọi thứ trong gia đình. Anh yêu cầu tôi ghi ra tất cả những thứ cần chi tiêu. Nếu có việc thuốc thang, đi lại lo cho bố mẹ chồng tốn kém, tôi phải trình bày rõ ràng với anh để anh chi tiền.

Số tiền 10 triệu với anh là to tát nhưng với tôi như muối bỏ biển. 10 triệu tôi kiếm dễ như chơi nếu được đi làm. Nhưng ở nhà, tôi chịu hèn hạ, chịu tiếng xin tiền chồng, còn phải gánh bao nhiêu trách nhiệm.

Tôi chợt nhận ra việc anh bảo tôi ở nhà lo cho con chỉ là cái cớ. Anh cần hơn là có một người con dâu chăm sóc bố mẹ chồng tử tế, để anh yên tâm đi làm, tụ tập bạn bè và mải mê với các mối quan hệ.

Mấy tháng gần đây, mẹ đẻ tôi ốm. Vì lấy chồng không quá xa nhà nên tôi tranh thủ đi lại, lo cho mẹ. Mẹ cũng bị bệnh phải thường xuyên nằm viện nên đã bận nay tôi còn bận hơn.

Bác sĩ nói mẹ tôi bị u tuyến giáp, cần mổ. Là con gái lớn nhất trong nhà, tôi bàn với chồng biếu mẹ ít tiền để mẹ yên tâm điều trị cũng là khiến tôi bớt áy náy hơn. Anh hỏi tôi cần bao nhiêu. Khi tôi trả lời “40 triệu” thì mắt anh trừng lên, nhìn tôi đúng kiểu kẻ ăn bám vòi tiền chồng.

“Cô nghĩ tôi là ngân hàng à? Tôi tưởng cô hỏi 4 triệu chứ ai nghĩ cô dám hỏi 40 triệu? Mổ cái đó thì làm gì đến 40 triệu? Thế bố mẹ cô không biết bao năm nay cô không đi làm, cả cái nhà này tôi lo kinh tế, gánh vác mọi việc à? Bố mẹ tôi còn nằm kia, đầy bệnh, tôi còn đang còng lưng đây. Vậy mà cô lại yêu cầu tôi chi cho bố mẹ cô khoản lớn thế. Cô có tiền thì bỏ ra, còn tôi, nhiều là 10 triệu”.

Câu nói của chồng khiến tôi chua chát. Tại sao anh ta lại có thể nói những lời như vậy với vợ của mình? Anh ta nhận mình bao năm gánh trách nhiệm lo kinh tế nhưng ai là người cấm tôi đi làm, ai là người bắt tôi ở nhà chăm con? Nếu anh ta thuê giúp việc, nếu anh ta ở nhà chăm con, tôi sẽ kiếm được bằng mấy số tiền anh ta đưa cho tôi hàng tháng? Tôi cũng là một người phụ nữ giỏi giang, học cao hiểu rộng, có phải hạng người không có trình độ? Vậy mà giờ đây, anh ta coi tôi là kẻ vô dụng và buông lời xúc phạm bố mẹ tôi vậy sao?

Những ấm ức dồn nén bao năm khiến tôi không thể nào chịu đựng thêm nữa. Tôi xả hết vào mặt chồng: “Nếu anh đã rạch ròi như vậy thì tôi cũng rạch ròi với anh luôn. Chúng ta ly hôn, con tôi sẽ nuôi. Còn anh, từ nay hãy thuê người chăm sóc bố mẹ, đưa đón bố mẹ anh sớm tối đến viện, nấu ăn từng bữa cho bố mẹ anh đi. Và anh nhớ trả lương cao cho họ chứ 10 triệu đồng không bõ bèn gì đâu. Đừng tưởng 10 triệu của anh là to. Tôi đố anh thuê được giúp việc 10 triệu nhận chăm con, chăm bố mẹ già, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cho cả nhà anh đấy. Không tin anh cứ thử xem”.

Nói rồi, tôi kéo vali cùng con về nhà mẹ đẻ. Tôi quyết định ly hôn không phải vì chuyện tiền bạc chữa bệnh cho mẹ. Tôi ly hôn bởi những ấm ức bao năm qua đã chịu đủ rồi. Sự việc ngày hôm nay chỉ là “giọt nước tràn ly”.

Độc giả giấu tên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/me-di-vien-toi-hoi-tien-chong-anh-noi-mot-cau-muoi-mat-2182251.html