'Mẹ đẻ' của những giống lúa thích ứng với đồng bằng sông Cửu Long

Trong 25 năm miệt mài nỗ lực nghiên cứu khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo và phát triển nhiều giống lúa mới, đặc biệt là các giống lúa phù hợp với tình hình xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long.

GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo và phát triển nhiều giống lúa mới

Bà được đồng nghiệp quốc tế đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển gene có khả năng chống chịu lại độ mặn.
Xuất thân cơ hàn, câu chuyện phấn đấu trên con đường học vấn của bà từng được một nhà biên kịch đề nghị đưa vào phim. Thời gian học đại học với vô vàn khó khăn, bà phải sống nhờ một gia đình lao công ở hầm cầu thang của giảng đường. Khi đã lập gia đình và đi làm nghiên cứu sinh, bà một mình ôm con mới hơn 2 tháng tuổi đi xa nhà vừa nuôi con, vừa học.

Với tấm bằng tiến sĩ nông nghiệp, bà về làm việc tại Viện Lúa (ĐBSCL, suốt nhiều tháng năm dài gắn bó với ruộng đồng, tự lai giống trong phòng thí nghiệm rồi ứng dụng ngay vào thực tiễn từ các khâu gieo mạ, cấy, thu hoạch. Gia đình bà cũng sống nhờ vào nguồn lúa thu hoạch được từ những công trình nghiên cứu ấy.

GS.TS Nguyễn Thị Lang giới thiệu giống lúa chịu hạn đang được trồng thử nghiệm tại Viện lúa ĐBSCL

Một trong những đóng góp nổi bật của tiến sĩ Lang là việc chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn mà dân gian gọi là “lúa ma” - một giống lúa hoang dã ở vùng trũng Đồng Tháp Mười.

Cùng với chồng là GS Bùi Chí Bửu (cũng là một nhà khoa học nổi tiếng về cây lúa) miệt mài nghiên cứu trong suốt 10 năm, giống lúa mới mang tên AS996 (còn có tên là OM2424) đã ra đời với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu, phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao... trở thành giống lúa chuẩn mực về tính chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt.

AS996 không chỉ được trồng rộng rãi ở các vùng ngập mặn nước ta mà còn được chuyển giao sang nhiều nước trên thế giới. Một thời gian sau, bà lại lai tạo thành công giống OM 4498, chỉ sinh trưởng trong vòng 100 ngày, có thân rạ cứng, có khả năng đẻ nhánh nhiều, thích ứng với phèn và mặn, năng suất cao, cơm ngon, chống chọi tốt với bệnh rầy nâu và đạo ôn.

GS.TS Nguyễn Thị Lang làm việc bên chiếc máy giải mã gene

Quá trình hoạt động khoa học của bà đã đóng góp nhiều vấn đề rất thiết thực đối với thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, với việc lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.

Hơn 43 công trình nghiên cứu đã mang đến giải pháp và ứng dụng thực tiễn cho sản xuất và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Từ năm 2011 đến 2015, đã có 334 công trình khoa học được công bố với 59 hội thảo khoa học quốc tế được tiến hành.

Năm 2011, Giáo sư Lang được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, năm 2016 được trao giải thưởng khoa học quốc gia năm 2016 L’Oreal – UNESCO.

GS.TS Nguyễn Thị Lang nguyên là Trưởng phòng công nghệ sinh học trường ĐH An Giang và ĐH Cửu Long, giáo sư bộ môn di truyền và chọn giống cây trồng (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long). Chồng GS.TS Lang là GS Bùi Chí Bửu (cũng là một nhà khoa học nổi tiếng về cây lúa). Con trai của 2 GS là TS Bùi Chí Bảo, giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM, con dâu là TS. BS Châu Gia Cát, công tác tại Bệnh viện Hùng Vương.

Nguyễn Hằng

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/me-de-cua-nhung-giong-lua-thich-ung-voi-dong-bang-song-cuu-long-post28713.html