Máy bay nội địa giá rẻ nhưng Đài Loan vẫn phải mua F-16 Mỹ

Đài Loan mua F-16 của Mỹ với giá 124 triệu USD mỗi chiếc, trong khi đó máy bay chiến đấu tự sản xuất mới nhất của Đài Loan có giá chỉ 34 triệu USD.

Lực lượng Không quân Đài Loan (ROC) hiện đang trang bị khoảng 380 máy bay chiến đấu và được biên chế thành 6 đơn vị. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng đã đặt mua thêm một lô F-16 để hiện đại hóa cho các đơn vị không quân của mình.

Thương vụ mua máy bay F-16 Block 70/72 được kí kết vào năm 2019, nhằm thay thế 49 máy bay phản lực Mirage 2000 được mua từ Pháp nhưng đã lỗi thời. Tổng giá trị thương vụ này lên tới 8,2 tỷ USD với 66 chiếc F-16, nghĩa là khoảng 124 triệu USD mỗi chiếc. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng sẽ bổ sung thêm 66 máy bay chiến đấu được sản xuất trong nước nhưng chi phí chỉ bằng một phần tư so với thương vụ mua máy bay F-16.

F-16 của Đài Loan.

Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan cùng với Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan đã được trao 2,22 tỷ USD để nghiên cứu và chế tạo máy bay chiến đấu XT-5 “Blue Magpie”, hay còn gọi là máy bay chiến đấu Brave Eagle. Chương trình này được kỳ vọng sẽ thay thế những chiếc máy bay chiến đấu F-5E/F dễ gặp tai nạn trong biên chế hiện tại của Đài Loan.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc những chiếc máy bay F-16 mới và XT-5 Brave Eagles sẽ thay thế 1/3 phi đội hiện tại của ROC. Điểm đáng chú ý của cả hai loại máy bay chiến đấu mới là được tích hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), đặc biệt máy bay Brave Eagle sẽ sử dụng radar được phát triển ở Đài Loan.

Tuy nhiên, các biến thể mới của F-16 bị nhiều chuyên gia chỉ trích là không hiệu quả về mặt chi phí. Cụ thể, đơn giá ước tính của những chiếc F-16 Block 70/72 nhiều hơn cả chi phí của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc. Trong khi đó, chiếc máy bay nội địa Brave Eagle của Đài Loan lại được coi là một ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu máy bay chiến đấu hiệu quả về chi phí nhất thế giới, với giá chỉ 33,6 triệu USD mỗi chiếc theo tỷ giá hối đoái hiện hành.

Máy bay XT-5 của Đài Loan.

Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất hơn 300 máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-5E/F theo giấy phép từ Mỹ. Từ những kinh nghiệm đó, tập đoàn này đã tự phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ hai động cơ F-CK Ching Kuo vào những năm 1980, như một phương án thay thế cho F-16 của Mỹ.

Ching Kuo hiện được biên chế tại hai trong số 6 đơn vị không quân của không quân Đài Loan. Thiết kế của XT-5 Brave Eagle chủ yếu dựa trên Ching Kuo, nhưng có kích thước lớn hơn và sử dụng nhiều kỹ thuật sản xuất mới để sản xuất rẻ hơn và giảm yêu cầu bảo trì.

Máy bay Brave Eagle sử dụng động cơ F125 giống như Ching Kuo, nhưng 80% các bộ phận khác đều mới và sử dụng nhiều vật liệu composite hơn. Hệ thống tác chiến điện tử và điện tử hàng không cũng được thay mới, cánh máy bay dày hơn có độ bền cao hơn và tăng dung tích để chứa nhiên liệu.

Ching Kuo của Đài Loan.

Giá thành của một chiếc Brave Eagle chỉ tương đương với giá của máy bay chiến đấu JF-17 Block 2 của Trung Quốc và máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc - cả hai đều có kích thước và tính năng bay tương tự nhưng thiếu hệ thống điện tử hàng không tiên tiến tương đương.

Mặc dù chi phí vận hành của Ching Kuo cao hơn một chút so với F-16, nhưng nếu Brave Eagle có chi phí vận hành thấp hơn thì chiếc máy bay do Đài Loan sản xuất này sẽ có tiềm năng rất lớn và được xem là một trong những máy bay chiến đấu tiết kiệm chi phí nhất trên thế giới, đặc biệt là theo các tiêu chuẩn tương thích với NATO.

Lê Hưng (Military Watch)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/may-bay-noi-dia-gia-re-nhung-dai-loan-van-phai-mua-f-16-my-ar836767.html