Màu xanh trên đồng đất Thuận Châu

Xuân về, những vườn cây ăn quả ở Thuận Châu khoác lên mình một màu xanh mới. Những vườn cây căng tràn nhựa sống, vươn mình trong nắng sớm ban mai. Thành quả của chương trình phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mà huyện Thuận Châu đang thực hiện đã tạo ra những đột phá mới, để nông nghiệp phát triển bền vững.

Vợ chồng ông Đặng Quốc Tuấn thu hoạch na sầu riêng để phục vụ thị trường Tết.

Đến xã Bon Phặng vào những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, ánh nắng vàng xuyên qua những kẽ lá trong những vườn cây ăn quả xum xuê. Đi dưới những vườn na, cam trĩu quả của gia đình ông Đặng Quốc Tuấn, 1 trong 14 thành viên của HTX phát triển cây ăn quả Nam Tiến, tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này. Những quả đồi dốc lúp xúp, chạy dài dưới các thung lũng trước kia vốn là đất bạc màu, chủ yếu trồng sắn, cà phê hay bị bỏ hoang, thì nay đã trở thành những khu quy hoạch trồng na, cam, thanh long, nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, với công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương hay sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để ngăn sâu bệnh...

Ông Đặng Quốc Tuấn cho biết: Gia đình tôi hiện đang trồng 4 ha cam cara ruột đỏ, 2 ha thanh long ruột đỏ, vàng, 6 ha na sầu riêng. Năm 2021, tuy thị trường có biến động do dịch Covid-19 nhưng hơn 30 tấn quả các loại của gia đình được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn đảm bảo xuất bán ra thị trường, trừ chi phí thu về gần 500 triệu đồng. Còn giống cam chín muộn, na sầu riêng, Đài Loan đang chuẩn bị thu hoạch để phục vụ Tết Nguyên đán. Vui nhất là việc hợp tác với doanh nghiệp ủ chế phân vi sinh từ bã cà phê để thành nước tưới dinh dưỡng cho các loại cây trồng.

Đến thăm gia đình anh Lương Quốc Huy, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, một trong những hộ dân nhiều năm qua thực hiện trồng cây ăn quả sạch với cách chăm sóc bằng phân hữu cơ cũng thật ấn tượng với những vườn cam sai trĩu quả, vàng rực cả một góc đồi. Gia đình anh đang trồng 2,4 ha cam cara, 0,4 ha cam đường canh và hơn 2,5 ha xoài, nhãn. Ngoài một số diện tích thu chính vụ, anh đã áp dụng kỹ thuật để một số diện tích cây ra trái chín muộn bán trong dịp Tết Nguyên đán. Anh Huy cho biết: Diện tích cây ăn quả của gia đình được sử dụng phân gà Sakura của Nhật Bản và các chế phẩm sinh học, như nấm đối kháng, vi phẩm đối kháng để diệt sâu bệnh. So với trồng phương pháp thường, trồng theo hướng hữu cơ sản lượng không tăng nhưng giá thành cao hơn 30% và luôn được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Hiện, gia đình đang chăm sóc gần 1 ha cam cara và cam đường canh cẩn thận, làm sao cho ra thị trường những trái ngon, đẹp để bán được giá cao bởi theo anh Huy, đây là những loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày tết của mỗi gia đình, nên giá sẽ còn cao hơn ngày thường.

Thuận Châu hiện có trên 3.500 ha cây ăn quả được trồng bằng các giống chất lượng cao; triển khai, cắt ghép mắt cải tạo trên 10.000 cây ăn quả các loại. Toàn huyện đã hình thành 11 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, chanh leo, nhãn, nhãn hữu cơ, cà phê. Có 21 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 330 ha; có 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó có 2 mã vùng trồng cây xoài (17 ha) xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Đu Bai, Nhật Bản, 8 mã vùng trồng xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích 220 ha; có 10 ha bưởi của Công ty cổ phần nông sản sạch Sơn La tại bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Kế hoạch năm 2022, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong tuyển chọn và nhân rộng các mô hình giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực. Tiếp tục đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong công tác an toàn thực phẩm; ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục sự suy thoái tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Những dấu ấn trong phát triển các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao ở huyện Thuận Châu là minh chứng sinh động nhất góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mau-xanh-tren-dong-dat-thuan-chau-46643