Mậu Thân 1968 - Bài 6: Người lãnh đạo cuối cùng của Biệt động Thành

Để lực lượng biệt động ngày càng lớn mạnh, phát triển và tạo ra những trận đánh vang dội khiến kẻ thù khiếp sợ, phải kể tới sự lãnh đạo tài tình, mưu trí của những vị lãnh đạo. Đại tá Trần Minh Sơn - nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng phân khu Biệt động Sài Gòn - Gia Định - là một trong những người như vậy. Hiện ông cũng là người lãnh đạo duy nhất còn lại của đội biệt động Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn năm xưa.

Người xây dựng cơ sở

Hơn nửa cuộc đời hoạt động trong một đơn vị tinh nhuệ của Sài Gòn, người chỉ huy đội biệt động Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn) có cho riêng mình cả một thiên tiểu thuyết. Sinh năm 1925 tại Đồng Nai, ông vào bộ đội từ thời kháng chiến chống Pháp (năm 1945). Năm 1948, ông được cử đi học tại Trường Quân chính, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Quân chính ở đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Vị tướng Bảy Sơn hy vọng có một ngày đồng đội mình sẽ được tìm thấy hồ sơ để đưa về cho gia đình họ.

Mặc dù đã ở tuổi 86, nhưng vị đại tá vẫn minh mẫn khi kể cho chúng tôi nghe về những ký ức hào hùng của những chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Ông Bảy Sơn kể: “Sau khi quay trở lại miền Nam, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng biệt động cùng với hai đồng chí khác là Đoàn Thanh Long và Trần Thanh Đạt nhằm ráp nối các cơ sở biệt động có từ thời chống Pháp để thành lập các đội biệt động chống Mỹ. Tôi được quyết định giữ chức trưởng phòng tác chiến của quân khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và lần lượt giữ các chức vụ: Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng F100 (lực lượng chủ lực biệt động Sài Gòn), Tham mưu phó phân khu 6… Tôi có mặt ở nội thành trong cả hai chiến dịch Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa xuân năm 1975”.

Trong những năm làm công tác tham mưu từ thời kỳ đánh Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, ông đã có nhiều kinh nghiệm về xây dựng, tổ chức, chỉ đạo thực hiện trang bị và huấn luyện lực lượng biệt động. Mặt khác cũng phải tính đường dài để kháng chiến như chuẩn bị hầm hố, vũ khí đối với các mục tiêu quan trọng.

Theo đó, nhiệm vụ chính của đội Biệt động Thành là tổ chức các trận đánh có hiệu quả nhằm diệt lính và thu vũ khí của địch; chuẩn bị phối hợp với các lực lượng khác tập kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy; huấn luyện cơ bản, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Cách đánh tiêu biểu của Biệt động Thành là nổ chậm, cường tập và pháo kích.

Như sống lại thời chinh chiến, ông Bảy Sơn chậm rãi kể lại cho chúng tôi những trận đánh đem lại tiếng vang lớn như: Trận đánh tàu Card là trận điển hình giữa biệt động hợp pháp công khai và đặc công khi bí mật đặt trái nổ dưới cảng để diệt tàu địch. Bên cạnh đó, nhiều trận khác đều áp dụng cả đặc công và biệt động với hình thức chiến đấu là dùng hỏa lực để áp chế bọn canh gác, lao xe chở đầy chất nổ vào thẳng mục tiêu gây công phá và sát thương cao. Công thức này được áp dụng đánh Đại sứ quán Mỹ ở đường Hàm Nghi lần 1 năm 1963 và tiếp theo sau là các trận ở Tổng nha cảnh sát, Metropole - Depo xe lửa Hòa Hưng, khách sạn Victoria, Caravelle… Tất cả đánh kiểu này đều thành công không có trận nào thất bại.

Ký ức khó quên

Đã hơn 45 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại sự kiện Mậu Thân 1968, ông Bảy Sơn lại không cầm được nước mắt khi nhắc tới những đồng đội của mình. Ông Bảy Sơn hồi tưởng: “Hôm đó là chiều 29 Tết, tôi vào nội thành kiểm tra các mục tiêu, trong đó có mục tiêu Đại sứ quán Mỹ. Sau khi đi trinh sát mục tiêu về, tôi đã gặp các anh em biệt động và ăn Tết với họ rất vui vẻ. Đồng thời, tôi báo cáo cho các anh em tình hình của địch hiện đang có một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một đại đội đổ bộ bằng đường không của Mỹ. Lúc đó, tôi hỏi anh em có điều gì lo lắng không? Anh em rất bình tĩnh, thoải mái lại còn vui vẻ động viên tôi: Chú Bảy cứ yên tâm lính tham mưu cũng là lính làm nên sự nghiệp”.

“Mặc dù nghe anh em nói như vậy nhưng trong lòng tôi cảm thấy rất đau xót. Bởi xét về cục diện tương quan lực lượng giữa ta và địch, tôi thấy lòng mình se thắt, nước mắt dâng trào. Thương anh em quá, đã từng cùng nhau làm việc, chung sống, công tác hàng chục năm. Trực giác cho tôi biết, chẳng còn bao lâu nữa các anh em sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến không cân sức mà việc hy sinh là điều tất yếu” - ông xúc động khi kể lại đêm cuối gặp các chiến sỹ là lính tham mưu (chưa từng cầm súng) của ông được rút ra huấn luyện để đánh vào Đại sứ quán Mỹ.

Đúng như trực giác của ông, cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ kéo dài đến sáng mùng 2 Tết thì tất cả các anh em đã hy sinh, chỉ còn Ba Đen bị thương nặng và bị địch bắt.

Vị đại tá xúc động cho biết: “Các chiến sỹ cảm tử đã tấn công chiếm được mục tiêu một cách ngoạn mục, giữ vững trận địa tới giây phút cuối cùng và chết vinh quang, ghi danh bất tử cho thành phố thân yêu. Trận tấn công oanh liệt này, đã tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện của ta từ trong đến ngoài nước. Đến nay, phần lớn đồng đội tôi đã qua đời! Nhiều người hy sinh trong các trận đột kích, số còn lại cũng ra đi vì thời gian”.

Điều canh cánh nhất của ông hiện nay là vẫn còn nhiều chiến sỹ biệt động chưa tìm được hồ sơ để báo về cho gia đình họ nên khi kể về những đồng đội đã hy sinh, vị đại tá cảm thấy bản thân vẫn còn nợ các đồng đội quá nhiều. Trong lòng ông, ông vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được các tài liệu về đồng đội của mình, để an ủi gia đình các chiến sỹ phần nào và để thế hệ con cháu của họ tự hào về cha ông mình từng là những người lính quả cảm.

H.Tuyết - Đ.Phương

Bài cuối: Biệt động Sài Gòn: Ngày ấy và bây giờ

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su/mau-than-1968-bai-6-nguoi-lanh-dao-cuoi-cung-cua-biet-dong-thanh-20130204092534400.htm