Màu mè hoa lá vậy mà ngon

Ở miền Tây, không chỉ khoe sắc hương, nhiều loài hoa còn là nguyên liệu chính trong các món ăn 'bổ dưỡng - thơm ngon và đẹp mắt'. Thậm chí, có những loài hoa còn là đặc sản một vùng, nhắc đến là thèm.

Gỏi gà hoa phượng (Đồng Tháp)

Nhắc đến món từ hoa, không ai có thể bỏ qua nền ẩm thực miền Tây. Thật khó để tìm thấy ở Việt Nam nơi có số lượng đặc sản chế biến từ hoa nhiều như vậy. Tuy có vẻ xa lạ nhưng gỏi hoa phượng từ lâu đã phổ biến trong đời sống người dân Tây Nam Bộ. Món ăn này có màu sắc rực rỡ này còn khá thích hợp để sống ảo. Dù độc lạ thế nào, thức ăn này vẫn có đủ hương vị chua, mặn, ngọt.

 Ảnh minh họa: IT

Ảnh minh họa: IT

Như tên gọi, đặc sản này sử dụng thịt gà và hoa phượng làm nguyên liệu chính. Thịt gà được luộc rồi xé nhỏ. Hoa phượng cần chọn bông đẹp nhất, còn tươi non, không bị dập nát. Ngoài ra, người chế biến còn dùng một số loại gia vị khác như giá, hoa chuối, rau thơm, đậu phộng, hành khô, ớt, chanh,…

Sau đó, các nguyên liệu được trộn đều với nước trộn gỏi. Hoa phượng được cho vào cuối cùng để không bị nhũn nát. Rắc chút đậu phộng rang với hành phi là hoàn thành món ăn. Gỏi gà hoa phượng thành phẩm có màu sắc cực kỳ bắt mắt. Nào là màu đỏ hoa phượng, màu trắng thịt gà, màu đỏ thẫm hoa chuối, màu xanh rau thơm, màu vàng của đậu phộng rang và hành phi. Tất cả tạo nên một hương vị đậm đà khiến cho người thưởng thức tấm tắc ngay khi nếm thử.

Canh cá linh bông điên điển

Cơn mưa tháng 3 mang đến cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long loài hoa điên điển vàng dọc triền sông. Điều thú vị là dòng nước từ Campuchia cũng mang theo cá linh non về với An Giang, Đồng Tháp. Vì lẽ đó mà bông điên điển được kết hợp cá linh tạo nên món ăn từ hoa gây thương nhớ.

 Ảnh minh họa: IT

Ảnh minh họa: IT

Có thể nói 2 nguyên liệu này là đặc trưng cho nền ẩm thực miền Tây. Như tính cách người sông nước, cách chế biến canh cũng rất giản dị, chân chất. Cá linh sau khi được làm sạch được đun với nước sạch hoặc nước dừa. Chút nước mắm, đường, nước chua đem tới hương vị vừa vặn. Sau đó, người ta cho thêm tỏi phi, tóp mỡ, rau ngò gai vào nồi. Tiếp đó, cá linh được thêm vào.

Khi ăn, thực khách mới nhúng bông điên điển vào nồi lẩu. Việc múc ra cũng cần nhẹ nhàng để tránh nát cá và hoa. Hương vị độc đáo nhất của món ăn chế biến từ hoa này chính là vị chua, ngọt, măm kèm chút bùi giòn từ bông điên điển. Chấm thêm nước mắm cay là mọi hương vị càng dậy hơn cả.

Bông súng mắm kho (Đồng Tháp)

Bông súng là giống rau đồng sinh trưởng ở vũng đọng nước bùn. Vào tháng 5-6 Âm lịch, mùa nước nổi lên cũng đem đến nguồn nguyên liệu đặc biệt này. Món ăn từ hoa súng phải kể đến loại mắm kho. Bông súng nấu mắm ngon nhất là loại màu trắng, cọng to cỡ đũa thường, hoa mềm vị ngọt thanh. Khi nấu, người ta để nguyên cọng, tước vỏ ngoài, cắt tầm gang tay rồi để ráo nước.

 Ảnh minh họa: IT

Ảnh minh họa: IT

Mắm kho phải làm từ cá sặc đồng ngâm trong hũ bằng sành. Trên hũ gài nhánh ổi dưới lót mo cau mới ra hương vị đúng chuẩn. Thành phẩm có màu đỏ thẫm, mùi thơm lừng, ăn với cơm nguội cũng ngon.

Tiếp đó, người ta cho mắm vào nồi nước vào xăm xắp, nấu tới khi vừa sôi đem xuống rồi chắt nước. Nước đầu chỉ để riêng. Đến nước thứ 2, 3, bạn cho thêm muối, bột ngọt, ớt, sả. Nồi mắm sẽ càng thơm ngon hơn khi có ba chỉ kèm theo. Ngoài ra, người nấu có thể thêm cá hoặc tép. Nếu thích cảm giác chua dịu, đừng bỏ qua cà chua. Mắm ngon nhất khi ăn nóng với bông súng. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng rau ghém khác tùy vào sở thích cá nhân.

Chuông Mây

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/mau-me-hoa-la-vay-ma-ngon-d6078.html