Mấu chốt là chất lượng tăng trưởng

Mức tăng trưởng cao cùng với sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là những kết quả tích cực đạt được trong quý này.

Ngạc nhiên, bất ngờ hay vượt kỳ vọng là những cụm từ được hầu hết các chuyên gia nói tới khi đưa ra bình luận của mình về tăng trưởng GDP quý III vừa qua tại buổi Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) ngày 11/10/2017.

Theo báo cáo này, mức tăng trưởng cao trong quý III phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt các biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Sự tăng trưởng và phục hồi tích cực của cả ba khu vực (dịch vụ; nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng) là những yếu tố giúp cho tăng trưởng cao trong quý này. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá tích cực về diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ như thị trường ngoại hối và mặt bằng lãi suất ổn định…

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao trong quý III, VERP điều chỉnh dự báo tăng trưởng quý IV ở mức 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,64%, tăng 0,27% so với dự báo đưa ra quý trước.

Sự tăng trưởng và phục hồi tích cực của cả ba khu vực (dịch vụ; nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng) là những yếu tố giúp cho tăng trưởng cao

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP cho rằng, mức tăng trưởng cao cùng với sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm là những kết quả tích cực đạt được trong quý này, qua đó tạo dư địa cho các hoạt động kinh tế trong quý IV. Tuy nhiên, về cuối năm, lạm phát có xu hướng gia tăng. Áp lực tăng lạm phát đến từ sự gia tăng chi phí sản xuất, sự điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản (giáo dục, y tế, điện, xăng dầu), chính sách tăng lương cơ bản có hiệu lực từ tháng 7 vừa qua, sự gia tăng cầu tiêu dùng vào các tháng cuối năm…

Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong quý III giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu đặt ra yêu cầu cần đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng vẫn là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số.

Đáng lưu ý, diễn biến quý III cũng tiếp tục bộc lộ những vấn đề về cấu trúc dài hạn của nền kinh tế. Điều này thể hiện ở cấu trúc thể chế kinh tế chưa đủ vững vàng trong tiến trình hội nhập kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiến trình cải cách thể chế kinh tế chậm, chưa kích thích được sự sáng tạo đổi mới sâu rộng trở thành nền tảng tăng trưởng lâu dài. Vì thiếu động lực sáng tạo, giải pháp tăng trưởng thường chú trọng vào yếu tố ngắn hạn, đôi khi đi kèm với mệnh lệnh hành chính, nhằm đạt được mục tiêu tạm thời.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang ở mức thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng thấp vì dựa chủ yếu vào mức thâm dụng lao động giá rẻ, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản xuất gia công. Yếu tố này tiếp tục giữ Việt Nam trong tư thế một điểm đến cho quá trình gia công sản phẩm, thay thế cho một số nước đang chuyển lên nấc thang cao hơn như Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, cấu trúc dân số vàng của Việt Nam đang qua đi và lợi thế về nguồn cung lao động có thể nhanh chóng mất đi. Không có chính sách chuyển đổi, nâng cao kỹ năng và năng suất lao động kịp thời, Việt Nam sẽ mất các lợi thế về chi phí sản xuất.

Ngoài ra, nền kinh tế có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI. Bên cạnh cơ cấu xuất khẩu, sử dụng lao động và sản lượng công nghiệp, sự phụ thuộc này cũng thể hiện ở vai trò then chốt của tăng trưởng đầu tư từ khu vực FDI đối với sự phục hồi của tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó, chi đầu tư công tiếp tục chỉ chiếm tỷ trọng tương đối khiêm tốn so với chi thường xuyên và trả lãi nợ gốc trong tổng chi NSNN. “Thực tế này cho thấy Việt Nam có ít khả năng cải thiện năng suất toàn xã hội trong trung hạn, và đa phần thành quả kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài” – TS. Thành đánh giá.

Với nhận định như vậy, báo cáo của VERP đã đề xuất một số giải pháp cho các quý tới. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Trung Quốc đang tăng trưởng tích cực cùng với sự lên giá của đồng Euro và đồng Nhân dân tệ, xuất khẩu của Việt Nam sẽ được lợi đáng kể nếu biết tận dụng cơ hội để tập trung vào hai thị trường lớn này.

Trước xu hướng gia tăng lạm phát vào quý cuối năm, NHNN cần thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định, ví dụ 5%. Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh giãn tiến độ tăng giá mặt hàng cơ bản tùy theo diễn biến của lạm phát. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế vì mang tính hành chính. Chính phủ cũng cần thực hiện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một cách hữu hiệu và thực chất bởi tốc độ giải ngân chậm như hiện nay sẽ làm giảm hiệu quả của giải pháp tăng đầu tư công trong gói giải pháp vừa ban hành của Chính phủ, đồng thời gây ách tắc thanh khoản cho các nhà thầu trong khu vực tư nhân.

Ngoài những chính sách ngắn hạn, các phân tích về cơ cấu kinh tế quý III cũng đặt ra những gợi ý cho chính sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Trong đó, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo vệ quyền sở hữu và nhà đầu tư, tạo môi trường phát huy sự sáng tạo công nghệ. Về cơ bản, chính sách cần hướng tới khai thác những tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Nếu thành công, cải cách đó sẽ góp phần tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân năng động, hướng tới giảm sự phụ thuộc quá cao của tăng trưởng kinh tế vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong khi sẽ giúp Việt Nam vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lê Đăng Doanh

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Bổ sung các chỉ tiêu tăng trưởng bền vững

Tôi muốn lưu ý tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và cổ phần hoá diễn ra rất chậm vì sự bất ổn. 2 vấn đề này tác động nhiều đến việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đến các lĩnh vực giáo dục, y tế… từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới các yếu tố tăng trưởng thực chất của nền kinh tế, gây hạn chế nhiều tới tốc độ tăng trưởng các năm tới.

Điểm nữa là tình hình ngân sách. Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu tái cơ cấu ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên, nhưng tôi mới chỉ thấy nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc tăng thu. Các chính sách như tăng phí môi trường, tăng thuế giá trị gia tăng… không phải là giải pháp căn cơ thực sự mà cần giảm chi tiêu thường xuyên. Ngoài ra, các vấn đề đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế như nợ công, bội chi ngân sách, hàng loạt công trình đầu tư kém hiệu quả... cũng cần được nhìn nhận, đánh giá cụ thể hơn thì bức tranh nền kinh tế Việt Nam sẽ đầy đủ, cân bằng hơn.

Về mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ nhấn mạnh phải đạt được vì nếu không tất cả các hạn mức của Quốc hội về bội chi ngân sách, nợ công… đều vượt trần hết. Tuy vậy để tránh việc đạt mục tiêu tăng trưởng bằng bất kỳ giá nào hay với các biện pháp chưa thuyết phục, theo tôi cần bổ sung các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng của các sản phẩm hàng hoá Việt Nam, giá trị gia tăng của các DN Việt Nam, và hàm lượng khoa học công nghệ mà ta ứng dụng được. Đó mới là nền tảng của tăng trưởng bền vững.

Ông Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng: Lường trước các rủi ro

Chúng ta thấy bức tranh kinh tế thế giới tương đối lạc quan, nhưng cần lưu ý rằng rất nhiều nguy cơ rủi ro đang tiềm ẩn trong đó. Chính phủ cần có kế hoạch lường trước khủng hoảng, trong đó đưa ra các kịch bản xấu của tình hình thế giới, khi xảy ra thì Việt Nam phải đối phó như thế nào.

Về tình hình nội tại Việt Nam thời điểm hiện nay và 3 tháng tới, với tăng trưởng 3 quý đạt 6,41% thì từ nay đến cuối năm mục tiêu 6,7% có lẽ không còn xa vời. Mà nếu mục tiêu này đã trong tầm tay thì những kế hoạch kích thích tăng trưởng thời gian tới cần hết sức thận trọng. Đó là tăng trưởng tín dụng, tôi cho rằng nên tăng trong khoảng 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế là mức bình thường.

Nhiều chuyên gia sợ nền kinh tế không hấp thụ được vốn, nhưng tôi đảm bảo là được, vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang dựa rất nhiều vào vốn NH, tuy nhiên ở đây cần lưu ý tới vấn đề rủi ro. Nếu đẩy quá nhanh thì vốn sẽ chảy vào các lĩnh vực rủi ro, không giúp ích nhiều cho phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ nên cân nhắc về việc đẩy nhanh tín dụng và phải đẩy vào đúng địa chỉ. Chúng ta muốn đẩy vốn vào SXKD nhưng trong nền kinh tế có cả DN yếu và DN mạnh, thì DN yếu cần vốn NH rất nhiều, song các DN này có vòng quay vốn rất chậm, lợi nhuận thấp, rủi ro nhiều so với DN mạnh. Vì vậy cần thận trọng trong việc đẩy tín dụng, nếu không vốn sẽ không chỉ chảy vào lĩnh vực rủi ro mà còn vào các DN rủi ro.

Ông Phạm Thế Anh

TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Cải cách mạnh hơn về chi tiêu công

Ngân sách và nợ công là những vấn đề dài hạn của nền kinh tế mà 1-2 năm nay chúng ta loay hoay giải quyết vẫn chưa xong. Hiện nay các biện pháp đang chủ yếu xoay quanh việc tăng thu trong khi bản chất nằm ở vấn đề chi, sự mất cân đối giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Vừa qua Bộ Tài chính lập luận tỷ lệ thu từ các loại thuế của Việt Nam đang giảm xuống và viện dẫn các thông lệ quốc tế về tỷ lệ thu ngân sách ở các nước phát triển mà không dẫn thông lệ quốc tế về các khoản chi như thế nào để so sánh. Như vậy là cung cấp một bức tranh không toàn diện và thiếu thuyết phục cho lập luận cần tăng thu. Hiện nay chi thường xuyên của Việt Nam vẫn quá cao và phụ thuộc nhiều vào bộ máy hành chính. Tới đây sẽ triển khai biện pháp nhất thể hoá các chức danh để thu gọn bộ máy hành chính, tuy nhiên đây mới chỉ là giải pháp thực hiện thí điểm ở cấp xã, huyện. Trong tương lai nếu không thực hiện quyết liệt thì không có nguồn thu nào đủ để tải cho bộ máy lớn như vậy.

Đỗ Lê – Ngọc Khanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mau-chot-la-chat-luong-tang-truong-68548.html