Mặt trái của phong cách làm việc 'Thứ Hai tối thiểu'

Trào lưu lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội và được nhiều người hưởng ứng.

“Thứ Hai tối thiểu” là gì?

Giống với trào lưu “âm thầm nghỉ việc”, "thứ Hai tối thiểu" (bare minimum Mondays) khuyến khích người lao động bắt đầu tuần làm việc của họ bằng cách chỉ làm đủ khối lượng công việc theo yêu cầu, không làm hơn. Thay vì lo lắng về mức năng suất bị giảm xuống sau khi nghỉ ngơi vào cuối tuần, người theo đuổi trào lưu này ưu tiên chăm sóc bản thân trước khi bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ khác trong ngày.

Nữ TikToker Marisa Jo Mayes, 29 tuổi, đến từ bang Arizona, Mỹ, là người đã khiến cho cụm từ trở nên phổ biến. Cô chia sẻ: “Tôi thức dậy vào thứ Hai trong tình trạng kiệt sức, nên tôi làm việc không hiệu quả. Và bởi vì tôi không hài lòng khi mình làm việc kém hiệu quả nên tôi đã vạch ra cho mình một danh sách dài gồm các việc cần làm”.

Nữ Tiktoker Marisa Jo Mayes là người đã đặt tên cho trào lưu và góp phần lan rộng xu hướng

Giờ đây, vào mỗi thứ Hai đầu tuần, cô sẽ không tham gia các cuộc họp. Ngoài ra, cô nói mình sẽ làm việc chậm rãi, từ từ trong hai giờ đầu tiên, kết hợp đọc chút sách, viết nhật ký và làm một vài công việc vặt ở nhà. Trong hai tiếng đó, cô cũng không dùng công nghệ, không kiểm tra email, “chỉ làm những gì mà tôi muốn để bắt đầu ngày mới”, cô nói. Rồi đến 10 giờ, Marisa mới tập trung vào công việc sáng tạo cho thương hiệu, nhưng nghỉ trưa vào 11 giờ. Tiếp theo, cô chỉ dành thêm 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành công việc chính. Nhờ vậy, thời gian làm việc vào thứ Hai sẽ ngắn hơn, nhưng cô vẫn hoàn thành được công việc quan trọng như trước kia khi vẫn phải làm 8 tiếng một ngày.

Cô nhận định: “Phương pháp ‘thứ hai tối giản’ đã cải thiện năng suất làm việc của tôi và cách tôi nhìn nhận bản thân. Tôi nghĩ trào lưu này nên được coi như một cơ hội để giúp mọi người không bị cuốn vào nhịp sống hối hả ngoài kia. Tôi cảm thấy những người lao động đang quá mệt mỏi khi phải bán sức lao động để đạt được thành tích tốt trong công việc”.

Tại sao lại có trào lưu này?

Theo tờ ABC News, “Thứ Hai tối giản là sự hội tụ của các xu hướng thời đại dịch”. Ranh giới giữa công việc và giải trí bị xóa nhòa trong bối cảnh ngày càng nhiều người phải làm việc tại nhà. Thêm vào đó, thị trường lao động khan hiếm đã tạo điều kiện cho những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội có đất phát triển, giờ đây họ thu hút được một lượng lớn fan hâm mộ”. Giáo sư Brooke Duffy của Đại học Cornell (Mỹ) nói thêm: “Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng bất mãn được thể hiện tràn lan trên mạng xã hội”.

Xu hướng làm việc ít hơn, được thể hiện qua các trào lưu như “âm thầm nghỉ việc” hay “thứ Hai tối giản”, đã phản ánh những kỳ vọng, mong muốn của Gen Z vào tương lai, rằng bạn chỉ cần làm đủ và dành thời gian, sức lực còn lại để tận hưởng cuộc sống.

Thêm vào đó, thứ Hai vốn đã luôn đáng sợ trong mắt nhiều người. Theo nhà tâm lý học thần kinh Jasdeep Mago của trường Đại học Bangor (Anh), thứ Hai tồi tệ là một suy nghĩ đeo bám mỗi người từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ cắp sách đến trường.

Thứ Hai vốn đã luôn đáng sợ trong mắt nhiều người

“Chúng ta lớn lên với suy nghĩ rằng thứ Hai rất chán. Bạn phải đi học, phải thức dậy sớm và lên xe buýt đi đến trường. Tất cả chúng ta đều cảm thấy điều đó. Cảm giác này còn được nâng lên một mức mới khi ta lớn lên, đi làm, đặc biệt là làm những việc mình không thích”, Mago nhận định.

Tuy nhiên, chiến lược “thứ Hai tối thiểu” không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đối với Meher Jadwani, một doanh nhân người Ấn Độ 30 tuổi hiện đang điều hành nền tảng làm đẹp của riêng mình, mô hình làm việc kiểu này dường như không phù hợp với cô. Sau bữa trưa, năng lượng Meher thường giảm xuống nên cô phải tranh thủ hoàn thiện việc quan trọng vào buổi sáng thứ Hai đầu tuần.

Mặt trái của trào lưu

Tuy nhiên, trào lưu này cũng gây ra những suy nghĩ gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Người ta có xu hướng đổ lỗi cho ngày thứ Hai, nhưng bản chất ngày đầu tuần “không có lỗi”, mà vấn đề thực sự có lẽ nằm ở công việc bạn đang làm.

Có thể bạn đang không được đánh giá cao trong công việc hoặc môi trường độc hại, khiến mỗi ngày bạn đi làm đều mệt mỏi, đặc biệt là thứ Hai. Nếu công việc đang ngày càng rời xa mục đích cuộc đời bạn, thì thứ ám ảnh bạn là công việc chứ không phải nỗi sợ thứ Hai.

Nếu công việc đang ngày càng rời xa mục đích cuộc đời bạn, thì thứ ám ảnh bạn là công việc chứ không phải nỗi sợ thứ Hai.

Cho dù làm việc từ xa có thể sẽ tiện lợi và linh hoạt hơn rất nhiều cho người lao động, tuy nhiên không có ai có thể đạt được sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Theo các chuyên gia, vấn đề ở đây không phải là việc trào lưu "thứ Hai tối giản" có tác động tích cực đến năng suất làm việc, mà chính là người lao động và quản lý cần phải làm việc cùng nhau để cùng tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả nhất có thể.

Nguồn: Vice, The Week

Hạ Khương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mat-trai-cua-phong-cach-lam-viec-thu-hai-toi-thieu-20230410122736987.htm