Mặt trái của kinh tế Trung Quốc

Trong suốt 30 năm qua, nhờ chính sách cải cách kinh tế và mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng trỗi dậy thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Tuy nhiên, cái giá phải trả không hề rẻ.

Ô nhiễm do nước thải công nghiệp ở Trung Quốc tạo nên nhiều ngôi làng ung thư.

Nợ xấu vượt Mỹ

Báo The Wall Street Journal dẫn lời các nhà kinh tế tại các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho biết tình hình nợ xấu đang làm họ bất an. Lian Ping, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng truyền thông Trung Quốc ngày 3-7 cho rằng, những quy định lỏng lẻo trong hệ thống ngân hàng quốc gia là một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế.

Đặc biệt, các nhà phân tích đang tỏ ra hoài nghi độ tin cậy của các ngân hàng Trung Quốc, nhất là với những ngân hàng dành các khoản vay lớn cho những ngành công nghiệp thu hút tiền mặt, như khai thác mỏ và bất động sản. Nhiều chính quyền địa phương cũng ngập chìm vào những khoản nợ xấu. Giới phân tích dự báo các khoản vay này sẽ không dừng lại, bất chấp nguy cơ tín dụng sẽ bị siết chặt khi giá nguyên liệu và bất động sản suy giảm.

Theo Financial Times, kể từ năm 2006 đến nay, các khoản cho vay của hệ thống ngân hàng Trung Quốc chiếm 87% GDP. Tổng số nợ của nền kinh tế Trung Quốc tăng từ mức 14.000 tỷ USD (chiếm 130% GDP) năm 2008 lên 25.000 tỷ USD (chiếm 220% GDP) năm 2013, bình quân mỗi năm tăng 18% GDP, vượt xa mức tăng trưởng GDP trong cùng kỳ (trung bình khoảng 8,9%). Con số 25.000 tỷ USD gấp đôi quy mô lĩnh vực ngân hàng thương mại Mỹ.

Chuyên gia kinh tế đứng đầu Ngân hàng trung ương Trung Quốc Cao Yuanzheng nói rằng, mức nợ cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế của Trung Quốc. Theo ông Cao, điều quan trọng nhất trong tình huống này là phải có các biện pháp cải cách nhằm cơ cấu lại các khoản nợ.

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước có số nợ của các công ty cao nhất thế giới, theo đánh giá của Công ty Dịch vụ tài chính Standard & Poor. Các chính quyền địa phương, thường bị hạn chế khoản vay từ ngân hàng, cũng giành được nhiều khoản vay lớn thông qua các kênh tài chính của chính phủ để hỗ trợ các dự án xây dựng.

Theo ông Lian, giá thành sản phẩm sụt giảm cũng là nguy cơ lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Giá thành sản phẩm của Trung Quốc đã giảm trong 27 tháng liên tiếp, một xu hướng có thể tiếp tục kéo dài hơn nữa. Khi giá xuất xưởng giảm, các công ty càng ít lợi nhuận và khả năng trả nợ càng thấp.

Thị trường nhà đất của Trung Quốc cũng suy giảm và khả năng tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay. Nhiều khả năng Trung Quốc không thể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7,5% do nhu cầu toàn cầu yếu và cạnh tranh tăng lên từ các thị trường mới nổi.

Khoảng cách giàu nghèo tăng đáng ngại

Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc hiện là một trong những nơi cao nhất thế giới, Bloomberg dẫn một báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan công bố mới đây. Trong cuộc nghiên cứu này, người ta dùng hệ số Gini để đo mức độ phân hóa giàu nghèo. Gini ở mức zero là tất cả thu nhập trong xã hội được phân phối bằng nhau.

Trong khoảng thời gian 3 thập kỷ bắt đầu từ năm 1980 (ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách kinh tế) đến năm 2010, hệ số Gini đã tăng từ mức 0,3 lên 0,55. Ở Mỹ, chỉ số hiện là 0,45. Nếu Gini trên 0,5 được coi là “chênh lệch nghiêm trọng”. “Bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc hiện thuộc mức cao nhất thế giới, đặc biệt là so với các nước có tiêu chuẩn sống tương đương hoặc cao hơn”, nhà xã hội học Yu Xie, Đại học Michigan, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Chỉ số Gini của Trung Quốc trong năm 2012 và 2013 giảm còn 0,474 và 0,473, theo Cục Thống kê của Trung Quốc. Nhưng vẫn còn cao so với mức 0,4 của LHQ. LHQ cho rằng từ mức 0,4 trở lên đã có khả năng gây bất ổn xã hội. Xiang Zhou, một nghiên cứu sinh đồng tác giả nghiên cứu nhận định sự bất bình trong thu nhập gia tăng nhanh chóng một phần là do chính sách phát triển của Chính phủ Trung Quốc từ lâu mang lại lợi ích cho cư dân đô thị hơn là người dân nông thôn, đưa vùng ven biển phát triển hơn những vùng còn lại.

Môi trường sống bị đe dọa

Sự bùng nổ công nghiệp của Trung Quốc những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ 21 đã làm thay đổi làng quê với các mạng lưới đường cao tốc lớn đi qua. Nhà máy cũng bắt đầu mọc lên như nấm quanh các hồ nước ngọt, kéo theo cảnh người dân mắc ung thư do đất bị ô nhiễm từ các nhà máy. Nhiều nông dân địa phương đã phải từ chối ăn các loại quả trồng trên đất của chính mình do chúng bị nhiễm cadmium, chì, thủy ngân, kim loại nặng…

Hai thập kỷ qua, Thái Hồ từng là danh lam thắng cảnh ở miền Đông Trung Quốc đã bị tảo tàn phá, đe dọa nguồn nước uống của hàng triệu người. Theo Cơ quan lưu vực sông Thái Hồ, đây là nguồn nước của hơn 30 triệu người. Từ năm 2006, tình hình ô nhiễm đang giảm nhiều nhờ nỗ lực đóng cửa nhiều nhà máy gây ô nhiễm nhưng hậu quả tác động trên con người vẫn còn kéo dài cho tới nay. Nhiều quan chức môi trường Trung Quốc thừa nhận, làm sạch ô nhiễm đất là một quá trình khó khăn và lâu dài, đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Ô nhiễm đất ít được công chúng ở Trung Quốc chú ý trước đó, mặc dù tình trạng này đặt ra một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cũng như ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Chính phủ Trung Quốc cũng phản đối khi các phương tiện truyền thông chú ý tới bệnh ung thư địa phương trong các lĩnh vực công nghiệp mới của Trung Quốc.

Mãi cho đến tháng 2-2013, Bộ Bảo vệ môi trường (MEP) Trung Quốc cuối cùng phải thừa nhận “làng ung thư” đã tồn tại ở Trung Quốc. Một số chuyên gia xã hội dân sự ước tính có 450 làng ung thư ở Trung Quốc và tin rằng hiện tượng này đang lan rộng.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hosotulieu/2014/7/354316/