Mặt tối của những tựa game chỉ được mua rồi bỏ xó

Thay vì chỉ mua sắm và bỏ xó các sản phẩm game, người dùng nên quan tâm đến thực tế sử dụng chúng.

Theo Kotaku, cộng đồng game thế giới không xa lạ với khái niệm "Pile of shame". Cụm từ này ám chỉ những tựa game bạn đã mua nhưng không bao giờ định chơi thử. Đồng thời, người chơi cũng không bỏ hay có ý định thanh lý giá rẻ hơn những đĩa game này.

Theo thời gian, những đĩa game đó dần chất thành đống. Tuy nhiên, những người mua lại coi đó như niềm tự hào. "Pile of shame" phổ biến đến nỗi nó đã xuất hiện trong Urban Dictionary - trang từ điển tiếng lóng nổi tiếng ở Mỹ.

Sự phổ biến của "Pile Of Shame" cũng trực tiếp dấy lên những vấn đề của chủ nghĩa tiêu dùng: khách hàng mua game để sở hữu thay vì chơi. Chúng ta cũng dần bị cuốn theo những mẩu quảng cáo rực rỡ trên các phương tiện truyền thông, vài cuộc thảo luận sôi nổi trên diễn đàn, rồi nhấn nút mua hàng mà không cần suy nghĩ. Cảm giác mua và sở hữu lấn át cảm xúc muốn chơi của người dùng. "Pile of shame" vì vậy cũng lớn dần theo thời gian.

 Sự phổ biến của "Pile Of Shame" cũng trực tiếp dấy lên những vấn đề chủ nghĩa tiêu dùng. Khách hàng mua game để sở hữu thay vì chơi. Ảnh: Kotaku.

Sự phổ biến của "Pile Of Shame" cũng trực tiếp dấy lên những vấn đề chủ nghĩa tiêu dùng. Khách hàng mua game để sở hữu thay vì chơi. Ảnh: Kotaku.

Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, các nhãn hàng cũng thường xuyên tung ra nhiều chương trình giảm giá để kích cầu. Đơn cử, ở mỗi đợt giảm giá của Steam, người tham gia sẽ không bao giờ đi tay không trở về bởi có quá nhiều mặt hàng với mức giá giảm "bất ngờ".

Dạo vòng quanh các kệ hàng, bạn sẽ tự thuyết phục bản thân bằng những câu như “cái này đã giảm giá rất nhiều so với trước đây, hãy mua đi vì mình đang tiết kiệm và tiết kiệm là thông minh”. Kết quả, rất nhiều trò chơi được đưa về nhà và bạn cũng chỉ mân mê tận hưởng cảm giác có chúng một thời gian. Sau đó, các sản phẩm dần bị đưa vào quên lãng.

Thay vì chỉ mua sắm mà không mảy may quan tâm đến tính thực dụng, người dùng nên học cách chi tiêu có hiệu quả. Đừng cố gắng mua quá nhiều đến khi bạn thực sự chơi hết tất cả trò chơi. Thực tế, các game luôn được nhà sản xuất mở bán quanh năm, đừng tích trữ chúng vì sợ hết hàng.

Game tồn tại để phục vụ cho mục đích duy nhất là được người dùng chơi. Nếu chỉ mua và không bao giờ đụng đến, rất có thể bạn đang khiến lý do các tựa game ra đời bị méo mó.

Đại Việt

Theo Kotaku

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-toi-cua-nhung-tua-game-chi-duoc-mua-roi-bo-xo-post1207206.html