Mất tiếng sau đêm đi hát karaoke dịp Tết

Uống nhiều bia rượu, hát hò, đi chơi nhiều, gặp lạnh... là nguyên nhân khiến nhiều người rơi vào tình trạng mất tiếng sau Tết.

Vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết, anh Nguyễn Văn An (Thường Tín, Hà Nội) đã vội vàng đi khám bệnh vì mất tiếng. Mấy ngày trước đó anh uống nhiều rượu, thời tiết lại rét, dẫn đến đau họng, khàn tiếng. Hai hôm sau thì mất tiếng, tình trạng đau họng ngày càng nặng hơn. Bác sỹ cho biết anh bị viêm họng, viêm dây thanh quản cấp.

Tương tự, anh Đỗ Quốc Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng gia đình đi du lịch Tết ở Sapa. Thời tiết lạnh, anh lại uống nhiều rượu, bia rồi hát karaoke, sau đó mất tiếng. Anh uống nước ấm với mật ong nhưng tình trạng vẫn không đỡ. Do công việc phải nói nhiều, anh Bình tìm tới bác sỹ.

PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, cho biết, sau Tết, số bệnh nhân đến khám vì viêm họng, mất tiếng tăng lên.

PGS An nội soi cho bệnh nhân.

Nguyên nhân gây viêm họng mất tiếng sau Tết là uống rượu bia nhiều, thời tiết lạnh, hát karaoke... PGS An cho biết, nhiều bệnh nhân uống rượu xong thì "đi hát với công suất lớn", ngày hôm sau mất tiếng.

Tùy từng trường hợp mà bác sỹ kê thuốc cho bệnh nhân. Có người cần sử dụng thuốc kháng sinh, có người chỉ cần thuốc kháng viêm, chống phù nề là ổn định.

Để phòng mất giọng trong những ngày lễ, Tết, PGS An khuyến cáo hạn chế uống rượu bia. Rượu gây nên tình trạng mất nước, người uống thường có biểu hiện đau hoặc khô cổ họng. Tần suất nói, âm lượng giọng nói trong bữa tiệc cũng góp phần gây đau, rát họng, dẫn đến khàn tiếng, tắt tiếng.

Ngày Tết mọi người thường đi lại nhiều, ít uống nước nên cơ thể thiếu nước. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cổ họng bạn khô rát. Vì vậy, bạn cần phải uống đủ nước 2 lít/ngày. Có thể uống thêm nước lọc, nước trái cây hoặc các loại trà.

Để phòng viêm họng sau Tết, bác sĩ An khuyến cáo mọi người luôn đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, quàng khăn và mặc áo ấm khi thời tiết lạnh, hạn chế uống nước đá lạnh vì có thể làm kích ứng họng gây ho và viêm, dẫn đến khàn giọng. Thay vào đó, bạn nên uống nước ấm và các loại trà thảo dược tốt cho cổ họng như trà hoa cúc, trà gừng, trà chanh mật ong.

Nước muối sinh lý có thể giúp sát khuẩn, làm sạch miệng, họng. Bạn nên súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi sáng khi thức dậy để tránh gây khàn tiếng, mất giọng. Nên dùng nước muối sinh lý tiêu chuẩn, loại đóng chai có bán tại các nhà thuốc thay vì tự pha. Nồng độ nước muối quá cao có thể gây kích ứng niêm mạc miệng họng, trong khi nồng độ quá thấp lại ít tác dụng.

Ngọc Hà

Nguồn VTC: https://vtc.vn/mat-tieng-sau-dem-di-hat-karaoke-dip-tet-ar738417.html