Mất tiền vì tour du lịch trọn gói giá rẻ trên mạng

Mua tour du lịch trọn gói giá rẻ, đã bao gồm vé máy bay nhưng đến gần ngày về, khách phải bỏ thêm tiền mua vé máy bay về nước.

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết thời gian qua có tình trạng mập mờ thông qua việc rao bán các tour du lịch trọn gói giá rẻ trên mạng xã hội.

Cụ thể, mạng xã hội có một số trang Facebook đăng nhiều bài viết có nội dung bán các tour du lịch nước ngoài trọn gói giá rẻ. Bạn đọc đăng ký mua tour, trả tiền đầy đủ và cũng được dẫn đi nhưng đến gần ngày kết thúc tour thì hướng dẫn viên báo không mua được vé về và không còn tiền để mua vé. Sau đó, người này mượn tiền của khách để mua vé, hứa hẹn về nước trả tiền nhưng lại biệt tăm.

Cho hướng dẫn viên mượn tiền mua vé máy bay

Anh Quốc Cường (ngụ TP.HCM) cho biết do có nhu cầu đi du lịch nên anh đã lên mạng xã hội Facebook tìm hiểu và tình cờ biết được T., chủ một fanpage có tên TinTin… Trang này chuyên review những địa điểm du lịch và có bán những tour du lịch với giá hợp lý.

Do thấy fangape có khá nhiều lượt theo dõi, cũng như nhiều bài viết chia sẻ về những tour du lịch trong và ngoài nước nên anh Cường đã không nghi ngại mà đăng ký ngay một tour du lịch Núi lửa - Bali (Indonesia) với giá hơn 16 triệu đồng, đã bao gồm tiền vé máy bay đi về.

Đến ngày đi, anh Cường và những người mua cùng tour cũng được T dẫn đi du lịch theo lịch trình. Tuy nhiên, đến gần ngày về, T thông báo với đoàn là không mua được vé bay về nước. Quan trọng hơn nữa là T cũng không còn tiền để mua vé về cho mọi người, nếu đoàn muốn về đúng ngày thì cho T mượn tiền để mua vé máy bay về nước.

“Lo sợ không thể về nước nên mọi người đã gom tiền lại theo yêu cầu của T, riêng bản thân tôi đã đưa hơn 6 triệu đồng. Mọi người khi đó cũng bắt T ký vào một bản cam kết sau khi về nước sẽ hoàn trả số tiền này. Thế nhưng sau khi về nước, đến nay đã bốn tháng trôi qua mà T vẫn chưa trả tiền cho mọi người và cứ hứa hẹn hết lần này đến lần khác” - anh Cường nói.

Tương tự, anh Lý Công Ban (ngụ TP Cần Thơ) cho biết vài tháng trước anh cũng có đăng ký gói du lịch đi Núi lửa - Ba li - đảo Komodo (Indonesia) của T với giá 34,5 triệu đồng. Số tiền này cũng được anh Ban chuyển hết cho T trước khi chuyến du lịch bắt đầu.

Sang đến Indonesia, trong quá trình đi từ địa điểm này đến địa điểm khác, T nói bản thân không có tiền mua vé máy bay cho đoàn di chuyển nên phải mượn tạm của anh Ban 4 triệu đồng.

“Một số người trong đoàn chỉ đi hai địa điểm là Núi lửa - Bali là họ về, theo lịch trình đã mua thì một số người còn thêm một ngày nữa mới về. Đêm đó, số người về trước hỏi T vé máy bay đâu, lúc này T tỏ ra ấp úng và nói chưa mua được vé về, lúc này mọi người mới tá hỏa. Sau đó mọi người phải lên các trang bán vé máy bay để tìm vé bay về nước. Tôi thấy tình hình không ổn nên cũng mua vé về luôn cho an toàn” - anh Ban nói.

Cũng theo anh Cường và anh Ban, không chỉ có hai anh mà còn có một số người cũng bị tình trạng tương tự và đến nay vẫn không liên lạc được với T để đòi lại tiền đã cho mượn.

Anh Ban cho biết thêm T hứa khi về nước sẽ trả lại số tiền đã mượn trong chuyến đi cho anh. Đồng thời sẽ bù thêm số ngày anh chưa đi nhưng đến nay đã vài tháng trôi qua, anh vẫn không liên lạc được với T.

PV cũng đã liên lạc nhiều lần với T qua số điện thoại mà anh Cường cung cấp nhưng không gặp được T. Gọi lần nào cũng báo thuê bao không liên lạc được.

Fanpage có đến hàng chục ngàn lượt theo dõi của T đã không hoạt động trong hai tháng qua. Ảnh: HUỲNH THƠ

Cảnh giác với tour giá rẻ

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST Tourist, cho biết trước sự việc trên, cũng như những vụ việc lừa đảo liên quan đến các tour du lịch trong thời gian qua, du khách nên mua tour du lịch qua doanh nghiệp lữ hành có uy tín, tránh chọn mua tour chỉ vì giá rẻ bất ngờ.

“Có nhiều trường hợp vì tin tưởng, có thể do người quen giới thiệu, du khách không quan tâm đến các yếu tố chi tiết dịch vụ hoặc không tìm hiểu về doanh nghiệp. Từ đó sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường trước, nhất là với các tour nước ngoài, du khách không rành ngoại ngữ và am hiểu các thủ tục sở tại...” - ông Mẫn nói.

Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã đưa ra khuyến cáo để người dân phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Cụ thể, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng khách sạn, vé máy bay; nên đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch.

Người dân cũng phải cảnh giác với các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay có mức giá quá rẻ. Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên miền. Thông thường, tên miền các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm một số ký tự.

Sau khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay, cần xác nhận lại thông tin đặt phòng (từ khách sạn đã đặt), thông tin vé máy bay (từ hãng).

Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.•

Một số thủ đoạn lừa đảo khác trong lĩnh vực du lịch

Cũng theo Công an TP.HCM, thời gian qua các đối tượng lừa đảo đã tung ra nhiều thủ đoạn lừa đảo liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Một số thủ đoạn được Công an TP.HCM tổng hợp như: Các đối tượng sẽ nắm bắt tâm lý giá rẻ, đưa ra những tour giá rẻ bán cho nạn nhân nhưng thực tế không có tour du lịch nào. Các đối tượng còn đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (30%-50% giá trị tour), sau đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Các đối tượng cũng có thể giả mạo website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán để lừa nạn nhân mua tour du lịch.

Một số đối tượng còn mạo danh đại lý bán vé máy bay, tạo các website, trang mạng xã hội, địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự website thật của hãng để bán vé…

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/mat-tien-vi-tour-du-lich-tron-goi-gia-re-tren-mang-post789189.html