Mất tích bao lâu thì được báo Công an?

Liên tục trong những ngày qua, những thông báo tìm người thân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội. Vậy việc người thân, người nhà mất tích bao lâu mới được báo Công an là thắc mắc của nhiều người.

Thông báo tìm người mất liên lạc đăng trên fanpage của Công an TP Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Những vụ việc đáng tiếc

Sau vụ việc mất tích và cái chết thương tâm của cô gái 21 tuổi L.T.T.L (quê Thanh Hóa), ngay trong ngày 20/2, tại fanpage của Công an Hà Nội liên tiếp có đến 3 thông báo tìm người nhà được đăng tải. Trong những người gia đình đang lo lắng tìm kiếm, có những người mới mất liên lạc 1 ngày, có người 2 ngày, tuy nhiên với trường hợp bé Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 2010, trú tại Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) mất liên lạc từ chiều 15/2/2024.

Vậy mất liên lạc bao lâu mới được báo Cơ quan Công an là câu hỏi đặt ra của không ít người. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thực tế, khi người thân mất liên lạc không rõ lý do, vì lo lắng mà nhiều người đã ngay lập tức báo Công an.

“Nhiều người cho rằng, phải sau 24h sau khi mất liên lạc với người thân, người nhà mới được báo Công an. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành không quy định thời gian mất tích bao lâu được báo Công an. Do đó, thông tin truyền tai nhau rằng phải qua 24 giờ không có tin tức của người thân thì mới được báo Công an là không đúng sự thật” - luật sư Hùng cho biết.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, dù không có quy định cụ thể về việc mất tích bao lâu được báo Công an nên khi nhận thấy việc mất tích của người thân có dấu hiệu tội phạm thì người dân nên chủ động báo càng sớm càng tốt để cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng điều tra, tìm kiếm.

Tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: cá nhân, tổ chức khi phát hiện có thể tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền hoặc nếu có thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể thông báo với cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, tại Điều 145 mọi tố giác, tin báo về tội phạm đều phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng không được từ chối.

Theo đó, ngay khi nhận được tin báo tội phạm, khoản 1, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an: tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền (khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự).

Hoặc theo khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Công an xã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Mất tích trong bao lâu thì chính thức tuyên bố mất tích?

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc có thể tùy ý báo Công an bởi Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự có nêu rõ: người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Do đó, trong trường hợp người nào khi trình báo Công an không có căn cứ, sai sự thật có thể chịu các hình thức xử phạt khác nhau. Tùy theo mức độ mà hình thức phạt có thể là xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, một người mất tích trong thời hạn 2 năm sẽ tuyên bố mất tích theo quy định tại Điều 68, Bộ luật Dân sự 2015.

“Điều này quy định, khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mat-tich-bao-lau-thi-duoc-bao-cong-an-370822.html