Mất hơn 123 triệu đồng khi tìm việc trên mạng xã hội

Ngày 10/5/2024, Công an huyện Gò Dầu, Tây Ninh tiếp nhận tin báo từ chị T.T.N.D (SN 1995, ngụ huyện Gò Dầu) thông qua hình thức tìm việc làm trên mạng xã hội đã bị lừa trên 120 triệu đồng.

Trước đó, ngày 25/4/2024, chị T.T.N.D lên mạng Telegram truy cập vào đường link của trang quảng cáo tìm việc làm và được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cùng số điện thoại. Đến khoảng 10 giờ ngày 26/4, một phụ nữ giới thiệu tên Thảo điện thoại cho chị D, tự nhận là nhân viên nhân sự làm việc tại Hội sở Ngân hàng Sacombank, thông báo cho D. biết đã nhận được hồ sơ và yêu cầu D. tạo địa chỉ WorkChat để được phỏng vấn online.

Ngày 27/4/2024, Thảo đưa D. vào nhóm phỏng vấn sơ tuyển bằng cách nhắn tin trong nhóm dự án, nhóm này gửi cho D. các lệnh để thực hiện, mỗi lần thực hiện lệnh, D. phải chuyển tiền vào tài khoản mà nhóm yêu cầu. Sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, chị D. được bọn lừa đảo trả cho một số tiền lãi gấp ba, bốn lần trong tài khoản ảo trên mạng mà các đối tượng cung cấp cho chị D.

Người dân cần cảnh giác bọn lừa đảo trên mạng

Người dân cần cảnh giác bọn lừa đảo trên mạng

Thấy dễ kiếm tiền, trong 1 tuần, chị D. nhiều lần nạp tiền cho các đối tượng với tổng số tiền 123.300.000 đồng. Lúc này, trong tài khoản ảo mà các đối tượng cung cấp cho D. thể hiện số tiền gốc và lãi là 466.739.400 đồng. Ngày 09/5/2024, các đối tượng này đưa ra nhiệm vụ cuối cùng để D. rút được số tiền 466.739.400 đồng, là D. phải nạp thêm 195.000.000 đồng, do D. không còn tiền để nạp nên đã bị kích ra khỏi nhóm. Lúc này chị D. mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan Công an để trình báo.

Nạn nhân đến Công an trình báo sự việc

Nạn nhân đến Công an trình báo sự việc

Thời gian qua, mặc dù lực lượng Công an đã nhiều lần cảnh báo cho người dân biết về thủ đoạn lừa đảo này và nhấn mạnh: Mọi quảng cáo việc nhẹ, lương cao, kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều chỉ là "bánh vẽ” của bọn lừa đảo nhưng một số người như chị D. vẫn bị dính "bẫy" lừa! Thông qua trường hợp chị D, Công an huyện Gò Dầu khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội. Cần tìm hiểu kỹ về người giới thiệu, chính sách của công ty mà đối tượng nhắc tới, không nên tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Người dân cũng tuyệt đối không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa nắm rõ thông tin, mức độ uy tín. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho Cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

MINH KHÁNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/mat-hon-123-trieu-dong-khi-tim-viec-tren-mang-xa-hoi_162160.html