Mất đất vì cho ở nhờ

Sau khi cho người khác ở nhờ trên đất của mình, một người dân ròng rã nhiều năm khiếu nại và nay phải đứng trước nguy cơ mất trắng

Hơn 5 năm nay, ông Trần Văn Ẩn (ngụ ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng để đòi lại mảnh đất mà gia đình ông cho người khác ở nhờ. Trong đơn gửi Báo Người Lao Động mới đây, ông cho biết mảnh đất này đã bị người ở nhờ âm thầm làm giấy tờ để chiếm đoạt.

Ở nhờ rồi không trả

Ông Trần Văn Ẩn cho biết mẹ ông, cụ Trần Thị Chao, có mảnh đất rộng 1.030 m2 được cấp chủ quyền năm 1963. Trên mảnh đất này, gia đình ông Ẩn cho nhiều người thuê và ở nhờ. Trong đó, gia đình ông Trần Văn Hết cũng ở nhờ và hứa khi nào ông này chết thì trả lại đất.

Sau khi cụ Chao chết, mảnh đất nêu trên được để lại cho ông Ẩn và con ông là chị Trần Thụy Chi Trâm. Năm 1987, ông Ẩn đòi lại đất nhưng các gia đình đang ở nhờ không chịu trả. Sau đó, ông kiện ra tòa và tòa buộc các gia đình này trả lại đất.

Ông Trần Văn Ẩn (ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) bức xúc vì người ở nhờ không trả lại đất cho mình

Riêng ông Hết, lúc này đang bị bệnh nên ông Ẩn không kiện đòi đất. “Đến khi ông Hết chết, con gái là bà Trần Thị Lệ Thu hứa mãn tang cha sẽ trả lại đất cho tôi nhưng đến nay vẫn không thực hiện” - ông Ẩn cho biết.

Sau đó, ông Ẩn bán nhà đất mà mình được thừa kế. Phần diện tích 153 m2 gồm nhà và đất mà gia đình bà Thu đang ở, ông Ẩn không bán được vì bà không trả lại.

Năm 2003, UBND huyện Hóc Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 153 m2 nêu trên cho chị Trần Thụy Chi Trâm. “Cứ tưởng có sổ đỏ là sẽ đòi lại được đất do cha mẹ để lại nhưng gia đình bà Thu vẫn không chịu trả, còn thách thức gia đình tôi” - ông Ẩn bức xúc.

Năm 2004, UBND xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn tổ chức hòa giải tranh chấp giữa 2 hộ dân nhưng không thành vì gia đình bà Thu đưa ra lý do hoàn cảnh quá khó khăn, không có khả năng di dời đi chỗ khác.

Âm thầm làm sổ đỏ

Năm 2008, ông Ẩn phát hiện bà Thu âm thầm hợp thức hóa mảnh đất đã được cấp sổ đỏ cho con gái ông. Dù mảnh đất này đã được cấp GCNQSDĐ cho chị Trâm từ năm 2003 nhưng UBND xã Thới Tam Thôn vẫn xác nhận với bà Thu rằng không có tranh chấp, không khiếu nại về quyền sử dụng nhà ở, quyền sở hữu đất ở và chưa được cấp GCNQSDĐ.

Để ngăn chặn bà Thu hợp thức hóa đất của mình, ông Ẩn kiện ra TAND huyện Hóc Môn. Trong quá trình thụ lý vụ kiện, TAND huyện Hóc Môn có nhiều văn bản yêu cầu UBND huyện giải thích việc cấp GCNQSDĐ cho chị Trâm có đúng trình tự hay không. UBND huyện cũng nhiều lần khẳng định: Việc cấp sổ đỏ cho chị Trâm là đúng trình tự, thủ tục; thời điểm cấp sổ đỏ không có tranh chấp, khiếu nại.

Thế nhưng, ngày 18-12-2012, dù chưa có bản án nhưng TAND huyện Hóc Môn lại ra văn bản đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện xem xét thu hồi GCNQSDĐ đã cấp năm 2003 cho chị Trâm. Ngày 3-3-2014, UBND huyện Hóc Môn đã ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ này!

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, trong trường hợp này, chị Trâm cần cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc thửa đất là của cha mình (ông Ẩn). Đồng thời, cung cấp giấy tờ, tài liệu thể hiện việc chị được thừa kế quyền sử dụng đất đối với thửa đất nói trên để chứng minh các yêu cầu của mình trong vụ án dân sự đang được TAND huyện Hóc Môn thụ lý.

Khiếu nại quyết định thu hồi sổ đỏ

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết chị Trâm có quyền khiếu nại quyết định thu hồi GCNQSDĐ tới Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn. Đồng thời, chị Trâm cũng có quyền khởi kiện hành chính đối với quyết định thu hồi GCNQSDĐ của UBND huyện Hóc Môn để yêu cầu tòa án tuyên hủy quyết định hành chính đó.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/mat-dat-vi-cho-o-nho-20140707220643977.htm