Mất cân đối hệ thống trường công – tư

Cuộc đua vào lớp 10 trường công hiện nay đang phần nào phản ánh việc phát triển giáo dục ngoài công lập chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nó, gây ảnh hưởng trực tiếp tới giáo dục công lập và để lại hệ lụy, khó khăn cho toàn ngành và xã hội.

Cần sớm có giải pháp giảm áp lực vào lớp 10 trường công. Ảnh: Quang Vinh.

Cần sớm có giải pháp giảm áp lực vào lớp 10 trường công. Ảnh: Quang Vinh.

Những con số biết nói

Theo số liệu năm 2022, cả nước có 42.125 trường học thì số các trường ngoài công lập chỉ chiếm khoảng 9,2%. Tương ứng số học sinh/sinh viên chỉ bằng khoảng 8% so với 24,54 triệu cả nước và số giáo viên/giảng viên chỉ bằng khoảng 11% so với 1,25 triệu cả nước. Đối với các nước phát triển thì số cơ sở giáo dục, số người học hoặc số người dạy ngoài công lập ít nhất cũng bằng khoảng 30% so với số liệu quốc gia.

Xem xét số liệu cụ thể các ngành học, bậc học có sự khác nhau rất lớn: Trường học khối phổ thông ngoài công lập chỉ chiếm 2,6% so với cả nước; mầm non chiếm 14% và đại học chiếm 27% cả nước. Học sinh/sinh viên khối phổ thông ngoài công lập chỉ chiếm 2,7% so với cả nước; mầm non chiếm 14,6 % và đại học chiếm 19,1 % cả nước. Giáo viên/giảng viên khối phổ thông ngoài công lập chỉ chiếm 3,2 % so với cả nước; mầm non chiếm 25,5 % và đại học chiếm 23,8 % cả nước. Thực tế này khẳng định, giáo dục phổ thông gặp nhiều khó khăn có phần không nhỏ đó là giáo dục ngoài công lập của khu vực này chậm phát triển và mất cân đối với giáo dục công.

Cần có triết lý rõ ràng

Trước hết, cần có triết lý rõ ràng về giáo dục ngoài công lập. Chính phủ đã khẳng định quan điểm về giáo dục ngoài công lập tại Nghị quyết số 35 ngày 4/6/2019 là thu hút, sử dụng nguồn lực to lớn của xã hội để bổ sung quan trọng vào ngân sách quốc gia nhằm phát triển giáo dục và đào tạo ở các cấp học và ngành học trong cả nước. Thực chất đây là quan điểm xã hội hóa giáo dục của nhà nước trong việc đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các cơ sở giáo dục ngoài công lập và công lập.

Chúng ta cần đưa ra chủ trương và phương hướng của giáo dục ngoài công lập một cách rõ ràng cụ thể, từ đó có được những hành động thực tế phù hợp với triết lý của giáo dục ngoài công lập. Có phải giáo dục ngoài công lập là bổ trợ những vấn đề thiếu hụt của giáo dục công lập? Có phải giáo dục ngoài công lập ở mầm non và phổ thông là đáp ứng dịch vụ giáo dục cho cộng đồng và xã hội? Còn giáo dục ngoài công lập ở đại học và dạy nghề là đào tạo cá nhân về nhân lực?

Chỉ có nội hàm của triết lý giáo dục ngoài công lập mới đưa ra câu trả lời rõ ràng và khúc triết nhất. Thực chất, giáo dục ngoài công lập và giáo dục công lập như 2 mái chèo cột chặt 2 bên của một con thuyền đổi mới giáo dục. Giáo dục ngoài công lập giữ vai trò “mở đường, đi trước, làm thử”. Trong khi giáo dục công lập “giữ hướng, nhân rộng ra đại trà”.

Đối xử bình đẳng

Theo đó, giải pháp cho giáo dục ngoài công lập cần tường minh. Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh tích cực giữa 2 loại hình giáo dục. Phải chăng nên thành lập một Vụ chuyên môn quản lý nhà nước về giáo dục ngoài công lập ở Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT).

Nhà nước phải cụ thể hóa những chính sách ưu đãi về đất đai, thông thoáng về quy chế và vinh danh cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp xã hội. Quyền lợi và chính sách phải đạt mục tiêu: thu hẹp dần khoảng cách giữa 2 hệ thống giáo dục. Đặc biệt về học phí, chế độ của giáo viên/giảng viên hiện tại vẫn có sự chênh lệch quá cao. Song song đó là việc xử lý những tiêu cực trong các cơ sở ngoài công lập cần nghiêm khắc như hệ thống công lập.

Gần đây, trong dự thảo chủ trương của Bộ GDĐT có đề xuất: những cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học nhỏ hơn 5 lớp sẽ không được hoạt động và các lớp tối đa trong một cơ sở được “nới” ra 10 lớp. Thực chất đây là mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục công lập để giảm áp lực cho giáo dục công. Điều này chẳng khác gì “lấy đất” của giáo dục tư, hạn chế phát triển giáo dục ngoài công lập. Đây chỉ có thể coi là giải pháp tình thế mà không thể giải mang tính chiến lược. Trong khi mục tiêu cần hướng tới là thay đổi cơ cấu và quy mô giữa hai loại hình giáo dục công và tư.

Thi tuyển sinh vào THPT có lẽ là kỳ thi căng thẳng nhất hiện nay ở Việt Nam. Để thay đổi hiện tượng kỳ lạ và áp lực này chỉ có thể thực hiện tốt mục tiêu 60-70% học sinh tiếp tục học lên và số học sinh còn lại sẽ được các trường ngoài công lập, trường nghề đón nhận. Từ đây, vị thế giáo dục ngoài công lập từng bước khẳng định được vị trí của mình.

Đặng Tự Ân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mat-can-doi-he-thong-truong-cong-tu-10279947.html