Mất cân đối cung cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực lao động giá rẻ là lợi thế của nước ta giờ đã trở nên lạc hậu, do hiện nay, nhu cầu của các nhà đầu tư đang hướng đến nguồn nhân lực trình độ cao.

Vừa qua, tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức, đã thống kê quý I-2016 cả nước có 225 nghìn người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp lại luôn kêu thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là nghịch lý đang tồn tại khi cung cầu chưa đáp ứng được nhau.

Trên thực tế, nhiều ban quản lý khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI có vốn đầu tư lớn đã phải tìm tới các trường đại học, cao đẳng đóng chân trên địa bàn để tổ chức các chương trình hợp tác đào tạo, nâng chất lượng đội ngũ lao động cho DN. Nhiều DN cho rằng, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đào tạo ra “sản phẩm” không đáp ứng được yêu cầu, chương trình đào tạo quá nặng tính hàn lâm và thiếu ứng dụng thực tế. Đây chính là nguyên nhân số lượng sinh viên ra trường không có việc làm ở tỷ lệ cao.

Theo các chuyên gia về lao động, việc làm, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ nhằm thu hút nhà đầu tư xem ra đã trở nên lỗi thời do hai nguyên nhân. Thứ nhất, hiệu suất lao động của công nhân thấp hơn so với các nước trong khu vực. Thứ hai, theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), việc làm của người lao động trong ngành dệt may và giày dép, là những ngành có nhu cầu sử dụng lao động nhân công giá rẻ sẽ bị ảnh hưởng do DN đã áp dụng máy móc, công nghệ tới 86% tỷ lệ tự động hóa trong quá trình sản xuất.

Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo, dưới góc độ quản lý vĩ mô, nếu Nhà nước không có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ chỉ “bán” sản phẩm “thô” với giá trị thấp. Về lâu dài, Việt Nam trở nên chậm tiến, không kịp tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để khắc phục tình trạng này, ngoài trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ cần có chỉ đạo kịp thời trong xây dựng, thực hiện quy định, chính sách để DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn, các DN FDI trước khi đầu tư dự án tại địa phương nào cần có báo cáo cụ thể về phương án, kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực.

Bên cạnh việc mở rộng, thu hút đầu tư, Nhà nước cần có chính sách giảm dần quy mô DN siêu nhỏ nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, tăng dần mức đầu tư trang thiết bị, kiến thức cho người lao động, tạo việc làm ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, không thể không nói tới trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giải quyết bài toán chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ là đào tạo những ngành nghề phù hợp, đòi hỏi thực tiễn mà cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của mình với tương lai của mỗi sinh viên do mình đào tạo.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31436102-mat-can-doi-cung-cau-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao.html