Mặt bằng cản tiến độ nhiều dự án hạ tầng lớn ở Khu kinh tế Dung Quất

Các dự án hạ tầng lớn phục vụ dân sinh, cộng đồng nhà đầu tư và hỗ trợ kêu gọi, thu hút các nguồn lực để phát triển Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đang bị kéo chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra thực tế các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Ngày 10/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Theo đó, đoàn đã đến thực tế hiện trường các dự án, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Vạn Tường; tuyến đường giao thông trục chính nối trung tâm phía bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường; các tuyến đường trục vào Khu công nghiệp nặng Dung Quất phía Đông (tuyến số 6); tuyến đường trục liên cảng Dung Quất 1 và Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn, di dân, tái định cư, neo đậu tàu thuyền – đập Cà Ninh (giai đoạn 1).

Các dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, tuyến đường giao thông trục chính nối trung tâm phía Bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường có tổng chiều dài khoảng 9,6km, được khởi công xây dựng cách đây nhiều năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thành, thông tuyến do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Đến nay, khối lượng xây lắp công trình mới thực hiện đạt hơn 83%, nhiều vị trí trên tuyến còn hiện hữu nhà dân, nền đường chưa được đào bóc, thi công. Là trục giao thông động lực chạy dọc Khu kinh tế nhưng được thi công chậm chạp, dang dở nhiều năm đã gây trở ngại cho việc lưu thông của người và phương tiện; đồng thời khiến “bức tranh” hạ tầng của Dung Quất trở nên xấu xí trong mắt các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Vướng mặt bằng đang là trở ngại chính với các công trình, dự án trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Còn tuyến đường trục liên cảng Dung Quất 1 có ý nghĩa đặc biệt lớn trong việc phát huy thế mạnh của hệ thống cảng biển Dung Quất, hỗ trợ các nhà đầu tư công nghiệp nặng, luyện cán thép và phụ trợ… xuất nhập hàng hóa, thiết bị theo đường biển. Tuy nhiên, sau thời gian dài khởi công, cả hai giai đoạn của dự án đều được thi công dang dở, chưa hoàn thiện do vướng mặt bằng.

Cụ thể, giá trị khối lượng xây lắp giai đoạn 1 thực hiện được khoảng 64,5%. Trong đó, đoạn tuyến có lý trình từ Km1+069,06 - Km1+563,25 đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2021; một số đoạn tuyến có mặt bằng đã được nhà thầu tổ chức thi công đắp nền, hoàn thiện cống ngang. Giai đoạn 2, giá trị khối lượng xây lắp đã thực hiện được hơn 48%.

Bên cạnh yếu tố mặt bằng, cần đánh giá lại năng lực của nhà thầu thi công tuyến đường trục liên cảng Dung Quất 1.

Tuyến đường trục vào Khu công nghiệp nặng Dung Quất phía Đông (tuyến số 6) có tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng, là trục giao thông mở mới giúp khai phá tiềm năng, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dải đất dọc biển Dung Quất. Thế nhưng, từ năm 2021 đến nay, dự án đã “đứng bánh” do vướng mặt bằng khi đầu phía Tây người dân cản trở thi công, phía Đông gặp khó trong việc thỏa thuận về biện pháp thi công đảm bảo an toàn trong hành lang đường ống của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Dự án mới chỉ thi công được một nửa cây cầu.

Quan sát hiện trường dự án, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận công trường đã dừng thi công từ lâu, nhà thầu đã di chuyển thiết bị, nhân công ra khỏi công trường. Đến nay, đã thi công được 1 mố cầu phía Tây, 2 trụ cầu và lao được 2 nhịp dầm, cơ bản hoàn thiện bản mặt cầu những nhịp này; cơ bản hoàn thành việc thi công nền đường chờ thảm nhựa đối với những vị trí có mặt bằng, gia công hoàn thiện tất cả các phiến dầm cần có tại bãi đúc. Theo chủ đầu tư, nếu có mặt bằng, nhà thầu sẽ lập tức tổ chức thi công và hoàn thành công trình trong thời gian ngắn nhất.

Cà Ninh là khu tái định cư lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn, di dân, tái định cư, neo đậu tàu thuyền - đập Cà Ninh (giai đoạn 1) đã thực hiện đạt khối lượng hơn 91,9% giá trị hợp đồng sau nhiều năm triển khai. Hiện tại, nhà thầu đang tổ chức thi công các tuyến chính 01, 03 và các tuyến nhánh, lát vỉa hè tuyến ven sông Trà Bồng, tuyến chính 04 và tuyến nhánh N1.2. Đây là khu tái định cư lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 1.100 lô đất, phục vụ đắc lực cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất.

Những vướng mắc về mặt bằng được quan tâm tháo gỡ để triển khai hoàn thành các dự án.

Dự án khu tái định cư Vạn Tường do UBND huyện Bình Sơn làm chủ đầu tư, có quy mô 26,79ha với khoảng 697 lô đất để bố trí tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành hạ tầng khu 1, khu 2 với khối lượng thi công đạt 90%. Đã chi trả tiền bồi thường cho 271/275 hộ và bàn giao cho đơn vị thi công với diện tích khoảng 23,9ha. Còn 4 hộ/0,1ha đang vướng mắc, chưa thống nhất nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng.

Diện mạo khang trang, đồng bộ của Khu tái định cư Vạn Tường là hình mẫu về tái định cư trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Sau khi đi kiểm tra thực tế hiện trường các dự án, nghe các bên có liên quan báo cáo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh, những vướng mắc về mặt bằng đã cản tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất. Việc triển khai xây dựng các dự án chậm trễ, kéo dài nhiều năm đã làm giảm hiệu quả đầu tư, không phục vụ tốt nhu cầu dân sinh và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư và kéo chậm nhịp phát triển của Dung Quất.

“Với Dung Quất hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng là quan trọng nhất”, ông Hiền nói và yêu cầu huyện Bình Sơn cần quyết tâm hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thiện, đưa các công trình vào sử dụng. Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, triển khai các biện pháp bồi thường theo từng trường hợp cụ thể.

Các dự án phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư vào Dung Quất.

Đối với những trường hợp đã thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật, nhưng người dân vẫn cố tình cản trở thì cần thực hiện kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật và xây dựng phương án bảo vệ thi công. Với những trường hợp cần thực hiện theo cơ chế đặc biệt, chủ đầu tư cần phối hợp với huyện Bình Sơn có đề xuất cụ thể để UBND tỉnh xem xét, xử lý.

“Công tác giải phóng mặt bằng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và Sở, ngành liên quan, với tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. Qua đó, sớm bàn giao mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công các dự án theo đúng mốc thời gian đã đề ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chỉ đạo.

Lê Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/mat-bang-can-tien-do-nhieu-du-an-ha-tang-lon-o-khu-kinh-te-dung-quat-373324.html