Mạo nhận sĩ quan Quân đội, 'nữ quái' chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Bị tuyên phạt 20 năm tù vì lừa đảo nhưng được hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ, Lan tiếp tục mạo nhận là sĩ quan quân đội, có chồng là 'sếp lớn' trong quân đội, qua đó chiếm đoạt thêm nhiều tỷ đồng của những người nhẹ dạ, cả tin.

Ngày 12/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Ngô Hoàng Lan (SN 1977, trú tại xã Quỹ Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) và tuyên phạt bị cáo này 24 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp với bản án 20 năm tù Lan bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hình phạt chung mà bị cáo Lan phải thi hành là 30 năm tù (hình phạt cao nhất của án tù có thời hạn).

Liên quan đến vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh (SN 1991, chồng bị cáo Lan, trú tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn) với vai trò đồng phạm, bị tuyên phạt 24 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trước khi gây ra vụ án này, Mạnh đã có một tiền án 24 tháng tù treo về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Bị cáo Lan tại phiên tòa.

Bị cáo Lan tại phiên tòa.

Theo bản án sơ thẩm, Lan là lao động tự do, không công tác trong lực lượng Quân đội, cũng không có chức năng tuyển sinh, ký hợp đồng giao hàng vào các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Ngày 28/2/2018, Lan bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” . Ở vụ án đó, Lan mạo nhận có chồng là cán bộ cao cấp trong quân đội nên có khả năng xin việc, chạy điểm thi vào các trường đại học và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử và được hoãn thi hành án trong vụ án trên do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Lan tiếp tục dùng thủ đoạn trên để lừa đảo thêm ba vụ, chiếm đoạt tổng số tiền 5,3 tỷ đồng.

Một trong những nạn nhân là ông N.V.M (trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Năm 2016, ông M có con trai thi vào Học viện CSND nhưng không đỗ. Sau đó, ông M có nguyện vọng cho con vào học tại Học viện Quân y. Qua giới thiệu, ông M quen Lan và nghe chị ta khoe là Đại úy, đang làm kế toán tại một bệnh viện của Bộ Quốc phòng và có chồng công tác ở một cục thuộc Bộ Quốc phòng.

Bị cáo Lan và bị cáo Mạnh tại phiên tòa.

Bị cáo Lan và bị cáo Mạnh tại phiên tòa.

Từ đó, Lan nói có thể xin giúp con trai ông M vào Học viện Quân y mà không cần thi tuyển. Đổi lại, Lan yêu cầu ông M phải chi 450 triệu đồng. Sau khi nhận đủ số tiền yêu cầu, Lan hứa, con trai ông sẽ được nhập học vào tháng 10/2016, nhưng liên tục ba lần khất hẹn mà vẫn không thực hiện được.

Bị ông M thúc giục đòi tiền, tháng 2/2020, Lan lên mạng thuê làm giả một quyết định nhập học gửi cho ông M. Để tạo niềm tin, Lan còn gửi ông M hình ảnh chứng minh quân đội giả, có hình Lan mặc quân phục quân đội.

Qua tìm hiểu, ông M biết các giấy tờ Lan gửi là giả nên tiếp tục yêu cầu Lan trả lại tiền. Đến tháng 11/2020, Lan mới trả ông M được 50 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn trên, năm 2018, Lan tiếp tục lừa đảo một người cùng quê, có nguyện vọng xin cho con vào học tại một trường quân đội, qua đó chiếm đoạt 390 triệu đồng của bị hại.

Năm 2020, sau khi chủ động làm quen với chị Th (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội), Lan khoe quen một “sếp lớn” của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng. Lan nói, có mối nhận và ký hợp đồng cung cấp nhu yếu phẩm cho các đơn vị quân đội thông qua một cục của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, Lan hứa đưa lợi nhuận mỗi hợp đồng từ 10 đến 20%, và hợp đồng sẽ kéo dài 3 năm. Thấy chị Th tin tưởng, Lan đề nghị chị đưa tiền trước để Lan đi đối ngoại, sau đó sẽ dẫn chị tới một đơn vị quân đội để ký hợp đồng.

Để chị Th thêm tin, Lan cung cấp các hợp đồng cung cấp hàng hóa giao thịt, gạo, dầu ăn... cho nhiều đơn vị quân đội tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố, với giá trị mỗi hợp đồng từ 70 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Do không đủ tiền, chị Th rủ thêm 8 người quen cùng góp tiền thực hiện các hợp đồng trên với mình.

Tháng 12/2020, chị Th chuyển cho Lan tổng số tiền 9,6 tỷ đồng, trong đó riêng chị góp 5,8 tỷ đồng. Quá thời hạn thực hiện hợp đồng, Lan lên mạng thuê làm giả các giấy tờ, thông báo của một cục thuộc Bộ Quốc phòng để kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng với chị Th. Tiếp đó, Lan còn thuê người đóng giả Phó Chánh Văn phòng, Bộ Tổng tham mưu đến gặp để chị Th để chị tin tưởng nộp thêm 700 triệu đồng.

Sau đó, do lo sợ hành vi phạm tội bị phát giác, Lan thuê làm giả 8 giấy tờ gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, đăng ký ôtô và bảo chồng đưa cho chị Th hai đăng ký ô tô giả để chị Th không nghi ngờ...

Liên quan đến vụ án này, do chưa xác định được lai lịch hai người bị cáo Lan thuê làm giả giấy tờ, tài liệu nên cơ quan điều tra đã tách rút hồ sơ để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/mao-nhan-si-quan-quan-doi-nu-quai-chiem-doat-nhieu-ty-dong-i689801/