Manipuri raas Lila: Điệu múa của các vị thần

Là một mảnh đất xinh đẹp, trù phú, bang Manipur của Ấn Độ mang trong mình rất nhiều huyền thoại thú vị.

Một trong đó là sự sáng tạo nên điệu múa Manipuri raas Lila, kể về tình yêu của vị thần Krisna và nàng Radha. Đây là một trong 8 điệu múa cổ truyền quan trọng nhất của quốc gia này.

Điệu múa Manipuri raas Lila được thực hiện bởi những nghệ sĩ vốn được ghi trong kinh Vệ Đà, các Gandharvas (ý chỉ những nhạc sĩ, ca sĩ) thời các devas (thần linh) vì thế có tính linh thiêng, thuần khiết.

Khi biểu diễn, các nghệ sĩ sử dụng rất nhiều động tác, nét mặt biểu cảm mà cuốn hút song cũng tạo ra sự bình yên, thanh thản, nhất là điệu múa Bhakti Rasa (cảm xúc cung kính, dịu dàng).

Sở dĩ như vậy vì nội dung là để thuật lại câu chuyện tình lãng mạn, nhưng cũng nhiều trắc trở giữa thần Krisna (hóa thân của Visnu) với nàng chăn bò, vắt sữa (gopi) Radha và là một sự tích hay nhất trong thần thoại Hindu.

Tình yêu giữa Krisna và Radha đã được biết rộng rãi từ thế kỷ 12 qua bài thơ Gita Govinda của nhà thơ Brahmin Jayadeva Goswani dưới triều vua Shri Lakshmana Sena.

Bài thơ gồm 12 khổ kể về sự chung tình, say đắm của Krisna với Radha. Mỗi khổ và tiết điệu của điệu múa đều về gopi như Sudevi, Indurekha, Lalita, Rangadevi, Chitra… Điệu múa có thời gian lâu nhất là về cảnh bên nhau của Krisna và Radha.

Điệu múa thường được biểu diễn vào xuân và thu. Cùng tham gia diễn xuất luôn có nhiều người ăn vận sặc sỡ gồm nam (một người nữ đóng giả) mặc dhoti vàng, véc xanh và đội chiếc mũ cắm một chiếc lông công biểu thị cho nhân vật Krisna.

Nữ vận váy potloi là trang phục cô dâu Manipuri lộng lẫy với một chiếc váy dài trông như một cái thùng và bên trên là một chiếc váy mỏng trong suốt thắt quanh eo.

Các gopi (nữ vũ công múa cùng Krisna khoác áo đỏ, còn Radha khoác áo xanh). Tất cả nhằm khắc họa tình yêu nở rộ giữa Krishna và Radha vào xuân như hoa nở đầy thung lũng Manipuri sau một mùa đông dài khắc nghiệt.

Các gopi thường múa quanh Krishna và Radna như đứng trước thần tượng vậy. Trong khi vũ công múa thì các nhạc công cũng nhún nhảy theo và còn liên tục nhào lộn, bay nhảy, thậm chí diễu võ (Thang-Ta) diễn tả một chốn thần tiên.

Trong điệu múa thấy rất nhiều động tác của vũ công vừa mạnh mẽ, hùng dũng vừa duyên dáng, yểu điệu (cho thấy sự hòa hợp của hai tâm hồn) và đồng thời sử dụng cả thân thể (tay, chân, ánh mắt…) để thể hiện từng cảm xúc trước các sự kiện trong cuộc đời các vị thần.

Ngoài thông điệp tình yêu, hòa bình, hạnh phúc, sự bất tử, tươi đẹp của thiên nhiên, điệu múa còn chuyển tải nhiều chủ đề tôn giáo, linh thiêng. Sự chậm rãi, khoan thai, thường xuyên xoay, đi mà như bay như lướt, không gây tiếng động khiến Manipuri raas Lila khác hoàn toàn các điệu múa khác của Ấn Độ.

Theo Sangai Express

Chu Mạnh Cường

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/manipuri-raas-lila-dieu-mua-cua-cac-vi-than-post599403.html