Mạnh tay vì sự minh bạch

Mới đây, Bộ GT-VT đã ra một loạt quyết định xử lý 34 nhà thầu có vi phạm trong quá trình đấu thầu dự án. Đây là hành động cần thiết để ngăn chặn tình trạng thông thầu giữa các doanh nghiệp (DN).

Những sự giống nhau kỳ lạ! Tại cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản ngành GT-VT tổ chức ngày 20-7, tại Hà Nội, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GT-VT) đã công bố danh sách 34 DN vi phạm trong quá trình đấu thầu. Trong số này, 30 DN tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc Dự án Giao thông nông thôn (GTNT) 3 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Ban quản lý dự án 6 (Cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư. 4 DN còn lại vi phạm trong quá trình dự thầu hạng mục xây dựng sàn giảm tải (Dự án WB 3) do Ban quản lý dự án 1 (Bộ GT-VT) làm chủ đầu tư. Tính trên góc độ địa phương, với 16 đơn vị vi phạm, tỉnh Quảng Ngãi dẫn đầu về số lượng DN vi phạm, tiếp đó là Lào Cai (8), Nam Định (4)… Được biết, trong hồ sơ dự thầu của các DN bị phát hiện khi cùng dự một gói thầu có chi tiết giống nhau đến kỳ lạ. Xin dẫn một số ví dụ, tại gói thầu số RT3-17-04-01-1/1 tuyến đường Bình Yên (Nam Định) có 5 nhà thầu nộp hồ sơ. Trong quá trình thẩm định, Ban quản lý dự án 6 đã phát hiện hồ sơ dự thầu của Công ty CP Xây dựng Trực Ninh và Công ty CP Xây dựng Xuân Quang có chỗ sai giống nhau. Cụ thể, trong khi hồ sơ mời thầu yêu cầu "xây gạch chỉ vữa XM M75 tường đầu cống" thì trong hồ sơ của cả 2 DN này đều là "xây gạch chỉ vữa XM M100 tường đầu cống". Tại gói thầu RT3-17-01-01-1/1 đường đê Ất Hợi (Vụ Bản, Nam Định), Ban quản lý dự án 6 phát hiện hồ sơ dự thầu của Công ty CP Xây dựng Hồng Quang và Công ty CP Xây lắp Song Anh đều lập biểu khối lượng có hình thức không theo quy định chào thầu của hồ sơ mời thầu… Lý giải về sự giống nhau, Công ty CP Xây dựng Trực Ninh và Công ty CP Xây dựng Xuân Quang cho biết cùng thuê một người khác ngoài Công ty lập biểu nên dẫn tới… sự giống nhau về bảng kê khối lượng đơn giá. Công ty CP Xây dựng Hồng Quang và Công ty CP Xây lắp Song Anh cũng lý giải sự giống nhau là… ngẫu nhiên cùng thuê một người ngoài công ty lập biểu khối lượng. Ông Cao Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 6 cho biết, giải trình của nhà thầu có thể chấp nhận, nhưng để bảo đảm tính nghiêm túc, minh bạch, ban đã kiến nghị Bộ GT-VT xử phạt và cấm tham gia các dự án do WB và Bộ GT-VT làm chủ đầu tư. Kiên quyết loại bỏ những DN không đủ điều kiện Lãnh đạo Bộ GT-VT đã nhiều lần khẳng định quan điểm này tại các cuộc họp của ngành. Trên thực tế, không ít DN đã bị các chủ đầu tư loại bỏ khi đang thi công vì không đủ năng lực. Tuy nhiên, việc hàng loạt DN bị phát hiện có dấu hiệu thông thầu thực sự khiến dư luận bất ngờ. Điều đáng nói, phần lớn (26/34) DN bị phát hiện vi phạm là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi. Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (Ban quản lý dự án 6) Lê Đình Quang cho biết, dự án GTNT 3 trải rộng trên 33 tỉnh, thành và được phân cấp cho các địa phương. Ban quản lý dự án địa phương tổ chức xét thầu, Ban quản lý dự án 6 chịu trách nhiệm thẩm định thầu và trong quá trình thẩm định phát hiện vi phạm. Không thể phủ nhận hiệu quả của việc phân cấp dự án về các địa phương. Tuy nhiên, nếu năng lực nhà thầu, năng lực quản lý tại địa phương không tốt sẽ dẫn tới những hệ lụy. Các DN lý giải sự giống nhau trong hồ sơ dự thầu chính là minh chứng sinh động nhất về năng lực nhà thầu. Họ không thể tự lập hồ sơ, phải đi thuê mới dẫn tới hiện tượng giống nhau. Mà sự giống nhau này đủ để quy kết là thông thầu. Bên cạnh năng lực nhà thầu, trong giai đoạn đầu thực hiện phân cấp, còn thiếu thể chế dẫn tới sự chệch choạc nhất định. Việc bị cấm tham gia dự thầu sẽ khiến không ít đơn vị điêu đứng, ảnh hưởng tới người lao động. Tuy nhiên, cấm là điều cần thiết để tạo ra sự minh bạch trong quá trình đấu thầu hiện nay, nhất là trong bối cảnh, Chính phủ đã và đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện chủ trương kích cầu, trong đó giao thông là một lĩnh vực được ưu tiên. Nếu không nghiêm khắc, có thể dẫn tới lãng phí, thất thoát… Đức Thuật

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/214948/