Mạnh tay hơn với vi phạm trong đấu thầu

Số nhà thầu bị xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu năm 2023 gia tăng so với năm 2022 và những năm trước.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu có hành vi vi phạm còn ít so với thực tế.

Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 29/12/2023, các cơ quan chức năng công bố gần 200 quyết định xử phạt nhà thầu trên cả nước. Trong đó, Hà Nội có 19 chủ đầu tư, TP.HCM có 10 chủ đầu tư, An Giang có 7 chủ đầu tư… công bố loại quyết định này.

Số lượng nhà thầu bị xử lý vi phạm nhiều nhất là lĩnh vực đấu thầu mua gạo với 34 lượt nhà thầu vi phạm, nguyên nhân chủ yếu là nhà thầu từ chối thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Số lượng quyết định xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động đấu thầu đã được công bố qua các năm (Nguồn: Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia)

Một trong những lĩnh vực có nhiều hành vi vi phạm bị xử lý theo pháp luật đấu thầu là lĩnh vực y tế. So với các năm trước, số lượng chủ đầu tư ra quyết định xử phạt có chiều hướng tăng với 29 chủ đầu tư, đa số là do nhà thầu vi phạm hợp đồng. Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy được nhiều nhà thầu nhận định là “rắn” nhất với 5 quyết định xử phạt được công bố. Kế đó là Bệnh viện Bạch Mai với 3 quyết định xử phạt, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng với 2 quyết định xử phạt…

Ngoài những quyết định do các chủ đầu tư tự công bố, Thanh tra tỉnh Bến Tre cho biết, trong năm 2023, qua thanh tra, UBND Tỉnh đã ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đấu thầu.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, số lượng nhà thầu vi phạm bị xử lý vẫn còn ít so với thực tế, một phần do khâu quản lý sau đấu thầu còn bị buông lỏng.

Tại Bến Tre, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng chưa được các chủ đầu tư chú trọng, dẫn đến trường hợp gia hạn hợp đồng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của các chương trình, dự án. Một số đơn vị cũng không tuân thủ chế độ báo cáo đấu thầu theo đúng quy định.

Một nguyên nhân khác khiến số lượng vi phạm bị xử lý còn ít, theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị, là số cuộc thanh tra, kiểm tra; số đối tượng, gói thầu, dự án được thanh, kiểm tra chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh, kiểm tra còn mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều mảng, lĩnh vực. Đặc biệt, việc phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý trong đấu thầu còn hạn chế, chưa có nhiều biện pháp răn đe, chấn chỉnh có hiệu quả đối với các chủ đầu tư để xảy ra vi phạm.

Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang lo ngại hệ quả của việc phân cấp, phân quyền cho các chủ đầu tư, bên mời thầu không có năng lực, am hiểu các quy định về quản lý đấu thầu như UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị y tế, trường học… Đây là một áp lực lớn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sai phạm trong quản lý dự án đầu tư, quản lý vốn nhà nước. Thực tế, một số chủ đầu tư chưa theo kịp nhiệm vụ được giao, còn lúng túng khi thực hiện; một số còn trông chờ, ỷ lại ở đơn vị tư vấn, không chủ động xem xét, kiểm tra kỹ hồ sơ, thủ tục khi phê duyệt…

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc phạt nhà thầu vi phạm, nếu chủ đầu tư, bên mời thầu sai phạm cũng phải bị xử lý nghiêm. Các sai phạm có thể là: không tổ chức lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn bước chuẩn bị đầu tư; không thực hiện đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá năng lực nhân sự, kinh nghiệm chưa phù hợp; thành phần tổ chuyên gia thẩm định, đánh giá hồ sơ dự thầu chưa đảm bảo…

Để nâng cao hiệu quả đấu thầu, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, Sở KH&ĐT tỉnh Bến Tre đề nghị UBND Tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý về đấu thầu nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động lựa chọn nhà thầu đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu, đặc biệt là những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu, dự án có ít nhà thầu tham dự và tỷ lệ tiết kiệm thấp. Trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu, dự án tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài cũng phải được giám sát chặt.

Từ thực tế ở địa phương, Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường kiểm soát việc thực hiện của tư vấn đấu thầu để đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy định pháp luật. Khi ký kết hợp đồng với tư vấn đấu thầu, chủ đầu tư phải quy định rõ trách nhiệm, các điều kiện ràng buộc khi tư vấn đấu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ.

Theo một số chuyên gia, để tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh công bằng, minh bạch, việc đánh giá uy tín nhà thầu trong quá trình dự thầu và thực hiện hợp đồng là một biện pháp cần thiết, vừa răn đe đối tượng có ý định vi phạm, vừa khuyến khích nhà thầu làm tốt, hướng tới phát triển bền vững.

Trần Nam

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tieu-dung-ban-doc/manh-tay-hon-voi-vi-pham-trong-dau-thau-202191.html