'Mảnh ghép' Thụy Điển trong bức tranh NATO

Ngày 7/3/2024, gần 2 năm sau khi Thụy Điển lần đầu nộp đơn xin gia nhập NATO và 1 năm sau khi Phần Lan được kết nạp vào tổ chức này, Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO. Việc Thụy Điển gia nhập NATO đã thúc đẩy những thay đổi trong khuôn khổ an ninh châu Âu và tác động đến an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Diễn biến mang tính lịch sử này rõ ràng chấm dứt lập trường trung lập, không liên kết - vốn được coi là bản sắc quốc gia và quốc tế - của Thụy Điển, mặc dù theo các nhà quan sát, trên thực tế quốc gia Bắc Âu này đã từ bỏ lập trường trung lập vài năm sau khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Vị thế mới của Thụy Điển chắc chắn giúp củng cố NATO trước những thách thức từ Nga. Như Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ca ngợi, sự gia nhập của Thụy Điển sẽ giúp NATO mạnh hơn, Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh bền vững hơn.

Chiến cơ đa năng JAS 39 Gripen của Thụy Điển được đánh giá cao.

Trong Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển đã tuân thủ nguyên tắc không liên kết trong thời bình nhằm mục đích duy trì lập trường trung lập trong trường hợp xảy ra chiến tranh, đến nay thì mọi thứ đã thay đổi. Việc gia nhập EU năm 1995, tham gia Hiệp ước Lisbon năm 2007 và thông qua “Tuyên bố Đoàn kết” năm 2009, Thụy Điển đã từ bỏ quan điểm “thụ động”, nhưng sự hoài nghi và nhận thức về nước này như một quốc gia “không liên kết về mặt quân sự” vẫn tồn tại.

Ngoài ra, Thụy Điển đã bộc lộ điểm yếu về quân sự vào năm 2013, khi máy bay ném bom của Nga tiến hành một cuộc tấn công giả lập vào Stockholm mà nước này không thể tự mình đẩy lùi. Một năm sau, thông tin một tàu ngầm Nga hiện diện ở quần đảo Stockholm trên biển Baltic gây lo ngại hơn nữa. Sau đó, vào năm 2016, Thụy Điển đã ký thỏa thuận hỗ trợ nước chủ nhà với NATO, cho phép nước này nhận được hỗ trợ dân sự và quân sự.

Hiện, đang có các cuộc thảo luận về việc Thụy Điển gia nhập NATO liên quan đến tổ hợp công nghiệp quốc phòng “có năng lực và tính cạnh tranh” của Thụy Điển, một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn nhất châu Âu với sự tham gia của các nhà thầu quốc phòng lớn có trụ sở tại Thụy Điển như Saab - một trong 100 công ty sản xuất vũ khí và cung cấp dịch vụ quân sự hàng đầu thế giới - và BAE Systems Hagglunds. Doanh số bán thiết bị quốc phòng kỷ lục sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra cho thấy đây sẽ là sức hút lớn đối với NATO - không chỉ vì vấn đề an ninh trước kẻ thù thường trực mà còn để đối phó với mối đe dọa đe dọa ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Xe bọc thép do BAE Systems Hagglunds chế tạo và sản xuất.

Thụy Điển cũng có khả năng tiếp cận tốt hơn các vấn đề về hoạt động, bao gồm cả việc chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng và do đó thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của nước này.

Ví dụ, Gripen của Saab, được quảng bá là máy bay chiến đấu “tiết kiệm chi phí nhất” hiện nay, đã thu hút được sự chú ý của các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Được biết, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng tăng, Philippines đang xem xét mua máy bay chiến đấu phản lực đa năng JAS 39 Gripen của Thụy Điển thay cho F-16 Fighting Falcons hàng Mỹ đã cũ kỹ.

Đồng thời, Thụy Điển với tư cách thành viên NATO đang cung cấp thiết bị quân sự cho khu vực, song song với việc NATO tăng cường tiếp cận các quốc gia Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ góp phần vào câu chuyện của Trung Quốc đối với NATO. Chính sách của Mỹ là đưa NATO đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới một hình thức nào đó thông qua việc “mở rộng về phía Đông”. Trung Quốc luôn cáo buộc Bộ tứ (bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) là một “NATO châu Á - Thái Bình Dương”. Một kịch bản như vậy sẽ không chỉ làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, mà còn gây bất ổn hơn nữa cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các cường quốc tầm trung như Ấn Độ và Nhật Bản đã thể hiện khả năng ngoại giao khéo léo và vị thế toàn cầu ngày càng tăng. Đi kèm với những thay đổi như vậy là lập luận mạnh mẽ ủng hộ sự trỗi dậy của “thế giới đa cực bất đối xứng”. Tuy nhiên, khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO do Mỹ lãnh đạo trong bối cảnh hợp tác chiến lược giữa các quốc gia như Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên do Trung Quốc dẫn đầu ngày càng tăng, khả năng thế giới quay trở lại trạng thái lưỡng cực một lần nữa lại được nhắc đến, mặc dù hình thái chắc chắn sẽ khác với trước đây. Như vậy, triển vọng về một thế giới đa cực thực sự đang nổi lên không gân ấn tượng quá lớn do tình trạng mất cân bằng quyền lực dai dẳng giữa các cường quốc và các nước tầm trung, cũng như vai trò và sức mạnh lâu dài của Mỹ.

Bất chấp những cuộc tranh luận này, quản trị quốc tế, vốn đang trong tình trạng hỗn loạn, rõ ràng phải là tâm điểm chú ý hiện nay của châu Âu và toàn cầu. Do đó, những thay đổi cần thiết để cải thiện khả năng phòng thủ quốc gia hoặc khu vực, như việc Thụy Điển gia nhập NATO, phải đi kèm với những nỗ lực gấp đôi hướng tới việc khôi phục các thể chế đa phương nhằm đảm bảo hòa bình và sự ổn định thực sự.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/manh-ghep-thuy-dien-trong-buc-tranh-nato-i726279/