Mảnh ghép cho 'vòng tròn' trọn vẹn

'Hà Lan là người bạn châu Âu của Việt Nam', Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte luôn tâm niệm và nhiều lần chia sẻ điều đó. Chắc chắn, ông mang theo tinh thần ấy tới Việt Nam trong chuyến thăm lần này, để viết thêm thông điệp đẹp đẽ cho hành trình 50 năm của hai người bạn ở hai châu lục.

Sáng 2/11, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam cho rằng, chuyến thăm như mảnh ghép làm trọn vẹn vòng tròn “happy ending” cho hành trình nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nối tiếp chuyến thăm Hà Lan thành công của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối tháng 12 năm ngoái.

“Thời vận” thuận lợi

Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 nhưng từ trước đó rất lâu, khoảng đầu thế kỷ XVII, những thương gia của Hà Lan đã đến Việt Nam mua gia vị, gạo, lụa, sành sứ. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam, nhiều người dân Hà Lan xuống đường phản đối chiến tranh, lập Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam để giúp đỡ nhân đạo cho Việt Nam.

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, quan hệ hai nước được tăng cường, Hà Lan xem Việt Nam là đối tác ưu tiên và chính sách thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nhận được sự ủng hộ, thống nhất cao của chính giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan.

Suốt chặng đường nửa thế kỷ vun đắp và phát triển, quan hệ Việt Nam-Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu.

Điều đó được thể hiện qua nỗ lực trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên, dồn dập trong nhiều năm qua. Mỗi chuyến thăm đều ấp ủ những “quả trứng vàng”. Đó là các cơ chế hợp tác song phương được hai nước thông qua và hoạt động rất hiệu quả. Hai bên ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương ở nhiều lĩnh vực.

Hai bên luôn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, không chỉ bao gồm kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển mà còn cả những lĩnh vực then chốt về ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn… để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chung tay ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Với những nền tảng quan trọng đó, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho rằng hai nước đang đứng trước “thời vận” thuận lợi để phát triển quan hệ lên một tầm cao mới. Mạch nguồn hợp tác đứng trước những dấu mốc chuyển mình sang giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, phát triển hơn. Năm 2024, hai nước kỷ niệm năm năm Đối tác toàn diện, 10 năm Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Tiếp đó, năm 2025, hai nước kỷ niệm 15 năm Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Điều đó vừa thể hiện bề dày quan hệ vừa là điểm tựa của lòng tin rằng hai nước có thể tiến xa hơn nữa với nhiều cột mốc mới được ghi dấu.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự kiến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm chính thức với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chứng kiến lễ trao một số văn kiện hợp tác, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ cao...

Khai phá “vùng đất mới”

Tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm Việt Nam lần này là đoàn doanh nghiệp công nghệ cao. Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, đây chính là điểm khác biệt so với nhiều chuyến thăm cấp cao từ Hà Lan trước đó, vốn đưa theo những đoàn doanh nghiệp trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống như nông nghiệp, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước… Lần đầu tiên, đoàn doanh nghiệp Hà Lan chỉ bao gồm lĩnh vực công nghệ cao mà cụ thể là vi mạch điện tử vào tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang đón chờ một làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực vi mạch điện tử từ Mỹ, Hà Lan cũng như nhiều nước trên thế giới. Nỗ lực lần này từ phía Hà Lan cho thấy một bước ngoặt mới trong hợp tác giữa hai nước, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp vi mạch điện tử của Hà Lan đối với thị trường Việt Nam.

Đại sứ Ngô Hướng Nam cho rằng, khi tiến tới hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, hai bên có sự tin tưởng lẫn nhau ở một cấp độ cao hơn, minh chứng cho thấy lòng tin giữa hai nước đang ở một tầm cao mới.

Trong chuyến thăm Hà Lan vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hà Lan cùng với đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng một brainport tại Hà Nội theo mô hình brainport tại Eindhoven và nhiều đề xuất hợp tác về công nghệ khác.

Vì sao Việt Nam và Hà Lan có thể bắt nhịp nhanh chóng với niềm tin vững vàng khai phá những “vùng đất mới” trong hợp tác như vậy? Có lẽ, vì hai nước đã làm tốt, tạo cho nhau được lòng tin ở bất kỳ lĩnh vực hợp tác nào trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước với nhiều dự án mang đến “phép màu” cho Đồng bằng sông Cửu Long hay trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững với nhiều dự án hợp tác mang định hướng trung, dài hạn.

Hiện nay, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2020; năm 2022 đạt 11,1 tỷ USD, tăng 32,6% so với năm 2021. Hà Lan là thị trường xuất siêu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2022. Việc triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) từ tháng 8/2020 đem đến nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan mở rộng quan hệ hợp tác với kết quả là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã thành công trong tiếp cận thị trường EU với mức thuế suất ưu đãi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại thành phố La Hay, ngày 12/12/2022. (Nguồn: TTXVN)

Cây cầu kết nối

Bên cạnh những thông điệp song phương, chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Mark Rutte mang theo những kỳ vọng đa phương quan trọng.

Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, Hà Lan là nước đi tiên phong ở châu Âu trong việc hoạch định Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng Pháp, Đức. Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia, Hà Lan chính thức được công nhận là Đối tác phát triển của ASEAN, thể hiện sự tham dự sâu của Hà Lan trong hợp tác với ASEAN, bao gồm Việt Nam. Dịp này, Hà Lan đồng thời tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao tới các nước trong ASEAN.

Do vậy, Hà Lan luôn mong muốn Việt Nam có thể trở thành một cầu nối để đất nước Âu châu này có thể hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các nước ASEAN, gắn kết chặt chẽ với khu vực.

Thời gian qua, trên diễn đàn quốc tế đa phương và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU, Việt Nam và Hà Lan luôn dành cho nhau sự ủng hộ và hợp tác tích cực. Hai nước ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội.

Hà Lan ủng hộ Việt Nam thúc đẩy quan hệ với EU, chia sẻ lập trường về việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Ngược lại, Việt Nam giúp Hà Lan tăng cường quan hệ và tiếp cận với thị trường ASEAN dễ dàng hơn.

Với nhiều những điều tốt đẹp như vậy, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, người bạn đến từ xứ sở hoa tulip được kỳ vọng sẽ mang theo nhiều “món quà” bất ngờ, tô đậm những nét vẽ cuối cùng cho một “vòng tròn” trọn vẹn nửa thập kỷ và mở ra bước ngoặt cho hành trình rực rỡ như loài hoa xứ bạn ở phía trước!

"Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm chung. Cả hai nước đều có nền kinh tế dựa vào thương mại và đầu tư quốc tế, có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đều đối mặt với các thách thức về nước và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, và ngành nông nghiệp hai nước đều có định hướng xuất khẩu. Là các quốc gia nhỏ, cả hai nước đều đã học cách phát huy pháp quyền quốc tế và hệ thống quan hệ đa phương". Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/manh-ghep-cho-vong-tron-tron-ven-248404.html