Mạnh dạn khởi nghiệp, thành công bước đầu

Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình khởi nghiệp trang trại chăn nuôi dúi thịt và dúi sinh sản của Bùi Văn Nhật, xóm Bãi Đa, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh thẩm định mô hình phát triển kinh tế của Bùi Văn Nhật, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy).

Đồng chí Bùi Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu cho biết: "Mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi dúi thịt và dúi sinh sản của thanh niên Bùi Văn Nhật sau một thời gian ngắn thực hiện đã đem lại tín hiệu khả quan, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Bên cạnh đó, gia đình tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào của xã, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Năm 2021, hoàn thành nghĩa vụ quân sự Nhật trở về địa phương. Không có việc làm ổn định nên Nhật đi Thái Bình làm thuê. Dịch Covid-19 bùng phát, công việc không suôn sẻ, Nhật quyết định trở về quê hương, tìm hướng đi mới cho bản thân. Sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy quỹ đất, điều kiện tự nhiên của địa phương, nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú, dễ tìm, phù hợp với nuôi dúi. Hơn nữa, đây là mô hình phát triển kinh tế chưa phổ biến ở địa phương, còn mới mẻ, nguồn cung hiếm, đầu ra ổn định. Thức ăn cho dúi dễ tìm, sẵn có như: tre, mía, ngô, sắn, chít, cỏ voi… Nhận định đây là mô hình khởi nghiệp triển vọng, Nhật bắt tay vào thực hiện từ tháng 1/2022. Với số vốn ban đầu 50 triệu đồng, Nhật bàn với gia đình vay thêm Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội. Có trong tay 200 triệu đồng, Nhật đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hệ thống chuồng trại nuôi dúi có tổng diện tích 150m2 đảm bảo sạch sẽ, chắc chắn, thông thoáng, ít tiếng ồn, không bị ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào, được thiết kế gồm các ô chuồng nhỏ có kích thước 60 x 60cm, xếp sát nhau. Với 40 cặp dúi con và 1 cặp dúi bố mẹ, Nhật vừa nuôi thử nghiệm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm.

Thời gian đầu do chưa đủ kiến thức, kỹ thuật nên dúi mắc một số bệnh, bị chết nhiều, nhưng không vì thế mà nản chí, Nhật tự nhủ càng khó khăn càng phải quyết tâm vượt qua. Sự cố gắng của Nhật đã đem lại "trái ngọt”. Lứa đầu tiên nuôi sinh sản sau khoảng 10 tháng dúi được xuất chuồng. Hiện nay, trang trại mở rộng quy mô lên 200m2, với 100 ô chuồng, nuôi 160 con dúi, trong đó có 40 cặp dúi sinh sản. Mỗi năm dúi cái sinh sản 3 lứa, mỗi lứa trung bình 2 - 4 con. Sau 3 tháng nuôi dúi giống có thể xuất chuồng, mỗi con có trọng lượng từ 3 - 4 lạng, giá bán 1,2 triệu đồng/cặp. Dúi thương phẩm nuôi từ 6 - 7 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng khoảng 9 lạng - 1,3kg, giá bán 550.000 đồng/kg. Được xem là đặc sản của vùng núi, thịt dúi thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao nên thị trường dúi thương phẩm cung không đủ cầu. Đa phần thương lái và người dân đến trang trại tìm mua. Năm 2022, sau khi trừ hết chi phí mô hình cho thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá.

Mô hình phát triển kinh tế của chàng thanh niên sinh năm 1998 đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Nhật và gia đình tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Dịp đầu năm nay, gia đình Nhật ủng hộ nông dân nghèo vượt khó với số tiền trên 20 triệu đồng.

Bùi Văn Nhật chia sẻ: "Hiện không ít gia đình ở địa phương đặt mua con giống, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho người dân có nhu cầu, nguyện vọng phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, tôi phấn đấu mở rộng diện tích trang trại, tăng đàn dúi nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Linh Nhật

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/181418/manh-dan-khoi-nghiep,-thanh-cong-buoc-dau.htm