'Mang xuân' đến với hộ nghèo

Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn

Hòa cùng không khí vui tươi, ấm áp của những ngày xuân là niềm vui của những hộ mới thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Sau một năm vất vả làm ăn, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã vươn lên, mở rộng sản xuất kinh doanh để đón một cái tết no ấm, trọn vẹn.

Chương trình cho vay hộ nghèo là chương trình tín dụng được triển khai ngay từ khi NHCSXH mới thành lập theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Những năm qua, nguồn vốn chương trình đã giúp hàng chục nghìn lượt hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với vốn vay để phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, ổn định đời sống.

Đồng hành cùng hộ nghèo

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều hộ nghèo còn thiếu vốn để sản xuất. Cùng với các chương trình, nguồn lực hỗ trợ khác của Nhà nước, trong những năm qua, chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH đã thật sự trở thành “động lực” tiếp sức cho nhiều hộ vươn lên.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã bám sát chỉ đạo của NHCSXH Trung ương và của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ đó, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để triển khai chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo. Cụ thể, chi nhánh đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các huyện, thành phố ngay từ đầu năm; chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện chủ động phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn.

Người dân thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển mô hình nuôi dê

Ông Trần Sỹ Đạo, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền, vận động hộ nghèo tận dụng nguồn vốn chính sách để tạo dựng sinh kế bền vững cho chính mình, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của huyện. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo của huyện đạt trên 113 tỷ đồng, với 1.656 hộ vay, chiếm tỷ trọng 22,2% tổng dư nợ.

Theo Nghị định 78, điều kiện vay vốn của hộ nghèo gồm: Đối với người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã. Các hộ vay vốn được sử dụng vốn để mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay, chi nhánh đã phối hợp với 4 tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình vốn; hướng dẫn hộ nghèo đầu tư, sử dụng vốn có hiệu quả. Khi các hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn có nhu cầu vay, chi nhánh tiến hành giải ngân nhanh chóng, kịp thời đến đối tượng thụ hưởng.

Bà Hoàng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng cho biết: Chương trình cho vay hộ nghèo là một trong những giải pháp hỗ trợ hội viên, người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, bởi lẽ các hộ nghèo không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn sản xuất nên họ chưa có điều kiện thoát nghèo. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã luôn phối hợp chặt chẽ với cán bộ ngân hàng chủ động nắm bắt kịp thời hoàn cảnh từng gia đình, nhu cầu của từng hội viên để hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, hằng năm, hội tuyên truyền, vận động các hộ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học để vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhờ đó, hiện nay, dư nợ ủy thác qua hội đạt trên 24 tỷ đồng, với 342 hộ vay, hằng năm hội giúp đỡ 5 chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Nhờ những cách làm hiệu quả, tính đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt trên 831 tỷ đồng, với 12.948 hộ vay. Doanh số cho vay trong năm 2023 là 176,6 tỷ đồng, với 2.532 hộ vay. Đây là chương trình cho vay có dư nợ lớn nhất trong các chương trình cho vay mà ngân hàng đang triển khai.

Tạo động lực vươn lên

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ NHCSXH huyện Bắc Sơn đến thôn Làng Gà, xã Trấn Yên. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là con đường bê tông sạch sẽ đi vào thôn, hai bên được phủ xanh bằng những hàng hoa, cây cảnh. Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Mẹo, trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, chúng tôi cảm nhận rõ sự vui mừng của anh bởi năm nay, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Mẹo chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, năm 2017, nhờ được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, gia đình tôi đã có vốn đề đầu tư chăn nuôi lợn, trồng rừng bạch đàn. Nhờ được cán bộ NHCSXH huyện và cán bộ xã tận tình hướng dẫn nên gia đình tôi sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Đến nay, gia đình tôi đã mở rộng các mô hình chăn nuôi gà, nuôi ong, trồng cây thuốc lá, từ năm 2022 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Còn đối với gia đình bà Hà Thị Sléo, thôn Bản Roọc, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tết năm nay được xem là cái tết sung túc nhất của gia đình bà. Bà Sléo chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, năm 2021, nhờ được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, gia đình tôi đã có vốn đề đầu tư chăm sóc 2 ha rừng bạch đàn. Trong quá trình vay vốn, tôi chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do huyện tổ chức nên tôi đã có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất. Năm 2023, rừng bạch đàn của gia đình tôi được khai thác đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng, hiện gia đình đã vươn lên thoát nghèo và trả hết nợ cho ngân hàng. Từ đây, gia đình tôi yên tâm làm ăn, cố gắng vươn lên làm giàu.

Anh Mẹo và bà Sléo chỉ là 2 trong số hàng nghìn trường hợp đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo. Theo thông tin của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, chỉ tính riêng trong 5 năm qua, từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp các hộ nghèo trồng mới, tu bổ được 24 nghìn ha rừng, 13 nghìn ha cây ăn quả; chăn nuôi được 8.700 con gia súc, trên 100 nghìn con gia cầm. Qua đó, giúp trên 8.000 lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân 3%/năm, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ước giảm 3% (còn 5,92%).

Có thể thấy rằng, chính sách cho vay ưu đãi hộ nghèo đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh, tạo được sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân. Trong thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Một năm mới đang về trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm. Đối với nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, niềm vui như được nhân lên gấp bội. Từ đây, họ sẽ có thêm động lực để cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu.

KIM HUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/642857-mang-xuan-den-voi-ho-ngheo.html