Mạng xã hội với vấn đề tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã định nghĩa: 'Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác'. Như vậy, mạng xã hội còn được hiểu là một hệ thống mạng lưới giúp con người kết nối và chia sẻ thông tin với nhau về mọi lĩnh vực.

LTS: Hiện nay, mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mối quan hệ kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực trạng đó, nhiều nhà quản lý e ngại không muốn tuyên truyền qua mạng xã hội. Nhưng thực sự khách quan, dù muốn hay không, mạng xã hội cũng len lỏi đến từng gia đình cũng như từng người trong thôn, xóm. Vì vậy, cần sử dụng và xây dựng mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông, phát huy tính tích cực và hạn chế càng nhiều yếu tố tiêu cực.

Bài 1: Tình hình phát triển mạng xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chỉ một thời gian ngắn, khoảng từ năm 2012 đến nay, mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Trước hết là cơ sở hạ tầng của mạng xã hội trong những năm qua đã bùng nổ, hệ thống phủ sóng Internet phát triển mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, cả ở khu vực đô thị cũng như ở nông thôn. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mạng Internet đã phủ kín từ 80 - 98% số thôn, bản. Điển hình như tỉnh Lào Cai, năm 2019, đã có hơn 98% số thôn có hạ tầng đảm bảo kết nối Internet băng rộng di động tại trung tâm, khu vực tập trung dân cư của thôn.

Nhờ mạng xã hội, nhiều du khách đã tìm đến tham quan bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - một trong những địa danh được coi là đẹp nhất vùng Tây Bắc. Ảnh: Thu Thùy

Nhờ mạng xã hội, nhiều du khách đã tìm đến tham quan bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - một trong những địa danh được coi là đẹp nhất vùng Tây Bắc. Ảnh: Thu Thùy

Khảo sát điểm Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cho kết quả minh chứng thuê bao Internet ở bản này những năm qua phát triển nhanh, đặc biệt là thuê bao Internet tốc độ cao ADSL và thuê bao cáp quang FTTH. Bản Vàng Pheo đã được phủ sóng điện thoại; có cáp quang đi qua; có hạ tầng kết nối Internet băng thông rộng; phủ sóng 3G, 4G. Toàn bộ các nhà hàng ăn, uống ở đây đều có Wifi miễn phí, nhiều quán hàng ăn uống bình dân cũng phục vụ Wifi miễn phí. Toàn bản có bản có 118 hộ nhưng đã có tới 228 thuê bao Internet (di động và cố định). Hầu hết các khu vực kinh tế du lịch ở tỉnh miền núi đều phủ sóng Wifi miễn phí. Còn Internet đã được kết nối toàn tỉnh.

Mạng xã hội bùng nổ đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội. Trước hết là quan hệ kinh tế qua mạng phát triển nhanh chóng, xuất hiện nhiều hình thức buôn bán qua mạng như bán hàng online thông qua các nhóm Facebook bán hàng, trang Facebook cá nhân, đăng lên “tường” Facebook của bạn bè… Bản người Thái Trắng Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có một số mô hình làm ăn nhỏ như homestay của chị LMC, bể bơi của chị LNK, chòi ẩm thực đồ nướng ven suối của chị VTT.

Các chị LMC, LNK, VTT đều ở lứa tuổi thanh niên nên khả năng nắm bắt, học hỏi kinh nghiệm quảng bá sản phẩm trên Facebook rất nhanh. Họ thường xuyên quảng bá sản phẩm của mình trên các trang “Chợ Lai Châu” (237 nghìn thành viên), “Chợ Lai Châu online” (78 nghìn thành viên), “Lai Châu” (58 nghìn thành viên). Nhờ đó, sản phẩm của họ “đi” xa hơn, bán trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng miền xuôi. Nhờ Facebook, trong thời gian từ tháng 10 đến tháng chạp âm lịch, trung bình mỗi ngày, mỗi người bán được khoảng 2kg thịt sấy, tiền lãi bình quân mỗi ngày, mỗi người thu về khoảng 500 - 700 nghìn đồng, có những ngày tiền lãi thu về hơn 1 triệu đồng.

Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội bán hàng online và quảng cáo hàng hóa, đồng bào các dân tộc còn xây dựng mạng lưới quan hệ trong buôn bán. Người Dao ở Tả Phìn xây dựng mạng lưới quan hệ bán thuốc tắm từ xã cho đến huyện và vào các thành phố Lào Cai, Hà Nội, Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh. Ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, có nhiều hộ gia đình xây dựng hệ thống mạng buôn bán qua mạng xã hội.

Bà NNC (65 tuổi) làm du lịch cộng đồng, kinh doanh thuốc tắm và một số thuốc chữa bệnh đã kết bạn với 1.372 người, trong đó, có khoảng 100 bạn là người Dao ở Tả Phìn (những người hái thuốc, bán các hàng đặc sản, thổ cẩm, nhà nghỉ…), 15 công ty làm du lịch ở Sa Pa và các thành phố Hà Nội, Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh. Bà TTM (47 tuổi) làm du lịch cộng đồng, bán thuốc tắm và thổ cẩm đã kết bạn với 1.635 bạn bè, trong đó, có 450 người là người Dao, khoảng 500 người là người Kinh và các dân tộc khác. Họ đã kết nối thành một mạng lưới trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ du lịch, thuốc tắm ở nhiều điểm tại Lào Cai và các thành phố.

Giờ đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông không chỉ biết bán sản phẩm thổ cẩm trực tiếp, mà còn biết quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Ảnh: Thu Thùy

Giờ đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông không chỉ biết bán sản phẩm thổ cẩm trực tiếp, mà còn biết quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Ảnh: Thu Thùy

Mạng xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến quan hệ xã hội của tộc người. Theo thống kê sơ bộ, vào ngày 10/10/2021, người Mông đã có 30 trang mạng xã hội lớn, mang tính chất quốc tế như: HMOOB PUV NTIAJ TEB (39.239 người thích, 129.320 người theo dõi); Hmoob kev lom zem (11.024 người thích, 45.378 người theo dõi). Người Dao có 32 trang mạng xã hội, trong đó có nhóm Cộng đồng dân tộc Dao mới xuất hiện từ ngày 8/8/2018, nhưng có số người tham gia rất đông, khoảng 149.500 thành viên. Người Thái cũng có khoảng hơn 30 nhóm.

Trong đó, nhóm lớn nhất là nhóm Facebook người Thái với 720 nghìn thành viên, nhóm Bản Thái với 73 nghìn thành viên… Các trang và nhóm Facebook của tộc người Mông, Thái, Dao đều có mối quan hệ xuyên quốc gia. Số người tham gia đông đảo mang tính chất cộng đồng, tộc người. Họ là cư dân các nước Đông Nam Á và ở Pháp, Mỹ. Các nhóm Facebook này đề cao các bản sắc tộc người, ý thức cố kết tộc người mang tính chất toàn cầu.

Như vậy, nhờ mạng xã hội, ý thức tộc người được “đánh thức” và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, quan hệ một số tộc người được mở rộng, phát triển thành quan hệ cộng đồng xuyên quốc gia. Quan hệ tộc người càng thêm tính cố kết nhờ có các nhóm xã hội phi quan phương phát triển, thu hút đông đảo các thành viên. Sự phát triển mạnh của các tổ chức phi quan phương (cả về số lượng, cả về không gian mở rộng) góp phần thúc đẩy quan hệ tộc người phát triển.

Bài 2: Đổi mới nhận thức về mạng xã hội để làm tốt công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa du lịch

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mang-xa-hoi-voi-van-de-tuyen-truyen-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post460879.html