Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 5: Sôi động đảo Sinh Tồn

Buổi sáng, đảo Sinh Tồn hiện ra trong bình minh là dải đất được bao trùm bởi màu xanh cây lá. Những ngọn dừa cao vút, những cụm phi lao rì rào, và tất nhiên, thấp thoáng những cây phong ba. Màu xanh hứa hẹn một chuyến thăm của đoàn công tác sẽ gặp nhiều điều bất ngờ.

Cùng các em nhỏ trên đảo Sinh Tồn

Ấn tượng cây bàng vuông

Cây phong ba mọc rất nhiều ở đảo Song Tử Tây, còn ở đảo Sinh Tồn, thật bất ngờ khi đi đâu cũng thấy bàng vuông. Đây là một trong những loài cây biểu trưng nhất cho sức sống mãnh liệt cùng tình yêu vẹn toàn với biển cả của người lính Hải quân. Chưa phải mùa ra hoa, nhưng các chiến sĩ kể là cây có đặc điểm rất hay, trong mỗi chùm hoa đang nở, lại thấy có quả già, quả bánh tẻ, quả non và cả những mầm nụ chúm chím. Chính vì đặc điểm ấy nên hoa bàng vuông biểu trưng cho lớp sóng sau và lớp sóng trước, như là sự kế thừa truyền thống của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau bảo vệ đảo xa. Việc chăm sóc cây bàng vuông trên đảo Sinh Tồn được các chiến sĩ trẻ rất chú trọng. Một chiến sĩ nói: Nhìn màu xanh của lá bàng vuông, cây phong ba, lòng chúng em vơi đi nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà. Màu xanh đó cũng chính là màu của niềm lạc quan, niềm tin yêu để chúng em ngày đêm chắc tay súng canh gác, bảo vệ vùng biển nơi xa khơi của Tổ quốc.

Sức sống mãnh liệt của cây phong ba, bất chấp thời tiết khắc nghiệt

Bất chấp điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, chỉ huy đảo Sinh Tồn đã triển khai nhiều kế hoạch để bảo đảm chiến sĩ cơ bản đủ về điện, nước sinh hoạt. Toàn đảo trồng rau xanh, bất cứ loài rau nào cũng mọc được ở đây, để đảm bảo đủ rau xanh trong mỗi bữa ăn của chiến sĩ. Đảo cũng đã khai thác hiệu quả hệ thống năng lượng sạch, máy lọc nước biển, cùng với hệ thống bể chứa nước mưa, đến nay cơ bản đảo đủ nước ngọt để dùng.

Rau xanh trên đảo khá phong phú hơn so với Song Tử Tây, ngoài rau muống, rau dền, rau bông ngọt… còn có cả mướp ngọt, giàn bầu và cả bí bò lan cả mặt đất. Khi nhìn thấy giàn bầu cách đất liền hàng trăm hải lý, chúng tôi bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Lũ chúng con từ tay mẹ lớn lên, còn những bí những bầu thì lớn xuống…”. Những quả bí, quả bầu ở đảo Sinh Tồn, ở Quẩn đảo Trường Sa, mang ý nghĩa chúng cũng lớn lên, đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái vì Mẹ Tổ quốc. Chúng góp phần chăm sóc cái ăn cho những người lính trẻ ở đây mỗi ngày càng chắc thêm tay súng.

Chuẩn bị bữa cơm cho đồng đội từ rau xanh được các chiến sĩ chăm bẵm, chắt chiu

Điểm tựa của ngư dân

Tình hình trên Biển Đông luôn thường trực sự phức tạp. Những ngày cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ở quanh đảo Sinh Tồn phát hiện nhiều lượt máy bay, tàu nước ngoài; cùng lúc đó, nhiều lượt tàu đánh cá nước ngoài vi phạm chủ quyền. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã thường trực cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không để bị bất ngờ trước mọi tình huống.

Xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có nhiệm vụ chốt tiền tiêu bảo vệ và khẳng định chủ quyền, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ra khơi khai thác hải sản, sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, phục vụ nghiên cứu khoa học biển... Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ Hải quân, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng với các đảo và các tàu thuộc khu vực quản lý, chủ động phát hiện sớm, đánh giá đúng tình hình, tham mưu, báo cáo về sở chỉ huy các cấp.

Bác sĩ Đinh Văn Trường khám, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân

Chúng tôi ghé thăm Bệnh xá đảo Sinh Tồn. Bệnh xá trưởng đang trực cấp cứu. Trưa 7/4/2024, ngư dân Nguyễn Ngọc Toàn quê ở Tiề

n Giang, sau hai tháng đánh bắt xa bờ lên cơn đau nặng. Thuyền ngư dân đang đánh bắt ở khu vực gần đảo Sinh Tồn, ngư dân đưa thẳng vào bệnh xá cấp cứu. Qua chẩn đoán, bệnh nhân bị suy hô hấp, đột cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đã có thể ngồi dậy được. Cùng đi theo có con trai bệnh nhân, những ngày ở đây đều được bệnh xá lo ăn uống đầy đủ.

Bác sĩ Trường cho biết, bệnh nhân chuyển vào bệnh xá đông hay ít tùy mùa, đông nhất là cuối năm, lúc đó tàu thuyền hay gặp bão tố. Bệnh xá đã từng sơ cấp cứu, sau đó chuyển lên tuyến trên 3 trường hợp đi cấp cứu bằng trực thăng, 1 trường hợp chuyển bằng tàu quân đội. Bác sĩ Trường còn rất trẻ, mới 30 tuổi, công tác ở Viện Y học Hải quân đóng ở Hải Phòng, chưa vợ. Anh ra công tác ở đảo Sinh Tồn vào tháng 3/2023; trước khi đi phải tập huấn 1 năm, sau đó vào Vùng 4 tập huấn thêm 3 tháng. Chúng tôi đùa vui: “Chắc đi chuyến này xong về nhà cưới vợ”. Bác sĩ Trường cười: “Dạ, chỉ cần bên nhà gái đồng ý thôi”…

Liên quan đến vấn đề cứu trợ nạn nhân trên biển, ngay tại buổi tặng quà của Đoàn công tác số 5 cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo; Chuẩn đô đốc, Phó tham mưu trưởng Phạm Văn Hùng dặn dò: “Cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ trên đảo Sinh Tồn những năm qua đã làm rất tốt công tác cứu hộ, cứu nạn; sắp đến, cần nêu cao tinh thần tương thân tương ái hơn nữa, không chỉ cứu giúp dân mình, mà cả người dân của nước bạn, thể hiện tinh thần nhân ái của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình”.

Nụ cười của cư dân và tiếng hát tuổi trẻ

Tổ ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ - anh Lê Thanh Tuấn (26 tuổi) và chị Bùi Thị Kim Ngọc

Các hộ dân ở đây đã hình thành chòm xóm. Hai vợ chồng anh Lê Thanh Tuấn (26 tuổi) và vợ là Bùi Thị Kim Ngọc đang ngồi tiếp khách uống nước. Cháu gái nhỏ tên là Lê Bảo Thương mới 4 tuổi cũng trèo lên người mẹ. Được tin có đoàn từ đất liền ra thăm, hôm nay hai vợ chồng quyết định nghỉ làm để đón khách. “Để được nói chuyện với khách phương xa”, cả hai vợ chồng nói. Thấy có khách đến, anh Đỗ Quốc Minh cũng bồng cậu con trai nhỏ sang chơi.

Chúng tôi đến nhà trẻ, đang giờ ra chơi, các cháu ùa ra chơi đu quay, cầu trượt, đuổi bắt. Hỏi một bé gái: “Cháu tên là gì?”, -“Dạ thưa, cháu tên là Nguyễn Ngọc Khánh An”, rồi chỉ sang cháu gái bên cạnh: “Còn đây là Bảo Thư bạn con”…

Sư thầy Thích Quý Thái chúng tôi gặp trên đường mời ghé thăm Chùa đảo Sinh Tồn. Chùa nằm dưới gốc cây lớn, đang mùa ra hoa rất đẹp. Bên trong chùa, có bệ thờ ghi phương danh 64 liệt sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Phía ngoài chùa, cũng có bia tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Tất cả anh em trong đoàn công tác lần lượt ghé dâng nén hương tưởng niệm.

Giao lưu văn nghệ cùng các chiến sĩ

Để giao lưu cùng lính Hải quân trên đảo, các ca sĩ, nghệ sĩ đi cùng đoàn đã tạo một sân chơi ngập tràn tiếng hát, tuổi trẻ. Không ai bảo ai, họ nắm tay thành vòng tròn, cùng hát, cùng múa. Các ca sĩ Kiều Oanh, Lan Anh và các bạn trẻ trong đoàn luôn trong vòng tay của các chiến sĩ Hải quân. Chiều hôm qua, cả hai ca sĩ này đã hát đến khản giọng ở đảo Đá Thị, sáng hôm nay lo không biết có hát nổi không. Không ngờ các chiến sĩ yêu lời ca tiếng hát của Huế quá, hai ca sĩ đến từ sông Hương như quên hết mỏi mệt, lại hát vang cùng chiến sĩ. Chiến sĩ trên đảo còn rất trẻ, lâu lắm mới được dịp hát cùng các ca sĩ trẻ trung, xinh đẹp, lại là con gái Huế nữa, đã “cháy” hết mình.

Góp vào cuộc giao lưu văn nghệ là các cháu trường mầm non. Lại là Khánh An và Bảo Thư, hai cháu cùng các bạn nhỏ lên sân khấu vừa hát vừa múa bài “Cháu yêu chú bộ đội”. Khán giả xem rất đông, và thương các cháu vô cùng.

(Còn nữa)

Hoàng Đăng Khoa – Hồ Đăng Thanh Ngọc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-gioi-bien-dao/mang-trai-tim-dat-lien-den-voi-truong-sa-ky-5-soi-dong-dao-sinh-ton-139941.html