Mang 'thanh âm đại ngàn' về Đường sách TP. Hồ Chí Minh

Ngày 10.9, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với Đường sách TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình 'Thanh âm đại ngàn' mong muốn lan tỏa nét đặc sắc, phong phú của đời sống văn hóa, tinh thần các dân tộc Đắk Lắk thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nghi thức uống rượu cần giao lưu tại chương trình. Nguồn: sggp.org.vn

Nghi thức uống rượu cần giao lưu tại chương trình. Nguồn: sggp.org.vn

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, điều này làm nên sự đa dạng và nhiều màu sắc cho nền văn hóa nơi đây. Đắk Lắk cũng là vùng đất của các lễ hội (mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi…); nghề truyền thống của các dân tộc bản địa (đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần, dệt thổ cẩm…). Nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học, văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn đã tạo được vốn văn hóa đồ sộ, đa dạng và phong phú…

Thực tiễn đời sống ấy đem lại sinh khí vô tận, là chất liệu dồi dào, đa dạng và phong phú cho văn nghệ sĩ vùng đất này. Kho tàng văn hóa ở vùng đất Tây Nguyên với các trường ca, sử thi đồ sộ đã khẳng định sức sống bền vững cùng thời gian. Đó cũng là tiền đề để văn học nghệ thuật địa phương có những thành tựu đáng kể.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk Niê Thanh Mai cho biết, Đắk Lắk là vùng đất của văn hóa, của sử thi và vùng đất của âm nhạc. "Chương trình “Thanh âm đại ngàn” là cơ hội để chúng tôi được chia sẻ và lan tỏa rộng hơn với công chúng và văn nghệ sĩ trong cả nước những niềm vui mà chúng tôi đang có trong lĩnh vực văn học nghệ thuật".

Ngoài giao lưu, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Đắk Lắk, chương trình “Thanh âm đại ngàn” còn trưng bày 100 bức ảnh nghệ thuật sáng tác về con người, văn hóa và vùng đất Tây Nguyên, Đắk Lắk (gồm 50 bức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, 50 bức của Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh); tranh của các họa sĩ Đắk Lắk; trưng bày chữ thư pháp và tặng chữ; giới thiệu nặn tò he dấu ấn Tây Nguyên… Hoạt động trưng bày kéo dài đến hết ngày 12.9 tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh.

H.Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/mang-thanh-am-dai-ngan-ve-duong-sach-tp-ho-chi-minh-i342537/