Mang nền tảng số đến hộ gia đình

là chủ đề của Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I do Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định đồng tổ chức ngày 14/9, tại thành phố Nam Định.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Phạm Gia Túc, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định đồng chủ trì Diễn đàn. Sự kiện thu hút hơn 1000 đại biểu cấp cao phụ trách chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đến từ khối Chính phủ, Tài chính – Ngân hàng, Viễn thông, Bán lẻ & Thương mại điện tử...

Sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn trao đổi thường niên của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam theo như Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam đều đã nhấn mạnh phải đổi mới tư duy và hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đảng, Nhà nước ta cũng rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Diễn đàn năm nay càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại tỉnh Nam Định - là một trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số chuyển đổi số và có sự cải thiện thứ hạng về phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy Nam Định và các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức Diễn đàn, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc tổ chức Diễn đàn này trở thành Diễn đàn thường niên nhằm tạo ra những chuyển đổi sâu sắc cả về nhận thức lẫn hành động, huy động được sự tham gia toàn diện của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai tại trung ương và địa phương được thực hiện khá đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt chủ trương đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số...

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Gia Túc, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định cùng các đại biểu tham quan Triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển Kinh tế Số trong khuôn khổ Diễn đàn.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Gia Túc, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định cùng các đại biểu tham quan Triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển Kinh tế Số trong khuôn khổ Diễn đàn.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số thời gian qua vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là, số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi chưa nhiều; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.

Bên cạnh đó, những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhận thức, thói quen của người dân còn chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền kinh tế số; việc ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn chậm...

Mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số là đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Đây là mục tiêu cao và rất thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải pháp đột phá để thực hiện.

Vì vậy, tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm mà ngành Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần lưu ý quan tâm triển khai trong thời gian tới, đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kinh tế số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết; các bộ ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Việt Nam"…

Về cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền độc lập, chủ quyền của đất nước, đồng thời gắn kết với chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Tiếp đó là đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia…

Sau Diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cả nước sẽ nhận diện rõ hơn định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam, tìm ra những giải pháp đột phá, động lực mới để tiếp tục phấn đấu và đạt được các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số đã đặt ra.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo ước tính của Bộ, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 15%.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 – 25%/ năm. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Để phát triển kinh tế số Việt Nam cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số, niềm tien số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số, thu hút nhân tài số.

Trong đó, phát triển kinh tế số Việt Nam dựa trên 3 trụ cột gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số…

Diễn đàn hôm nay về phát triển kinh tế số và xã hội số nhưng mối quan tâm không chỉ nằm ở vấn đề công nghệ. Mục tiêu của phát triển kinh tế số là mà cho người dân giàu hơn. Mục tiêu của phát triển xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo phải được sử dụng một cách đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người…

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, cùng với cả nước, Nam Định đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật; xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đạt kết quả tích cực; văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích nằm trong tốp đầu toàn quốc về chất lượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững.

Qua sự kiện này, tỉnh Nam Định mong muốn được trao đổi, chia sẻ với các tỉnh trong cả nước về kinh nghiệm cụ thể nhằm hoàn thiện những cơ chế, chiến lược thu hút, hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước…

Tham luận tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực đã cùng đóng góp và chia sẻ đường hướng, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn và các khuyến nghị để thúc đẩy tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo; sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới…

Toàn cảnh Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung: Báo cáo công tác triển khai Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam năm 2022 (Bộ Thông tin và Truyền thông); Kinh nghiệm trong phát triển kinh tế số và xã hội số: Khuyến nghị hành động cho Việt Nam (Ngân hàng Thế giới); Thời điểm vàng để doanh nghiệp tạo đà bứt phá nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (Công ty Cốc Cốc); Giới thiệu kinh nghiệm và giải pháp kho dữ liệu để triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu và cổng dữ liệu mở cho địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng); Kinh nghiệm trong phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Nam Định (tỉnh Nam Định); Phát triển Hệ sinh thái tài chính số, thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số (Công ty Dịch vụ số Viettel); Nền tảng cửa khẩu số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số: đề xuất và một số kinh nghiệm triển khai (VNPT IT).

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra 3 Hội thảo Chuyên đề với Chuyên đề 1: Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số; Chuyên đề 2: Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện; Chuyên đề 3: Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

Song song với chương trình Hội thảo, Triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển Kinh tế Số với sự tham gia của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay như Viettel, VNPT, Misa, Mobifone, FPT, Shopee, VNPay,...

Các giải pháp nổi bật sẽ được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: Thanh toán kỹ thuật Số/Ví Điện tử; Thanh toán tiếp xúc và không tiếp xúc EMV và non-EMV; NFC (Kết nối trường gần); Hệ thống Thanh toán Di động; Chữ ký Số; Công nghệ chuỗi khối; Thương mại Điện tử; Hệ sinh thái Số; Blockchain; An toàn Thông tin...

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/mang-nen-tang-so-den-ho-gia-dinh-360881.html