Mãn nhãn xem cảnh khuyển vượt rào lửa, tìm ma túy

Được luyện tập thường xuyên với nhiều bài huấn luyện khó, chỉ sau 6-12 tháng, những chú cảnh khuyển có thể tham gia bắt tội phạm, tìm ma túy, cứu người,…

Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) là mái nhà chung của hàng trăm chú chó nghiệp vụ với 5 giống điển hình: Berger, Malinois, Rottweiler, Labrador và Cocker.

Những chú cảnh khuyển này đều rất mạnh mẽ và hung dữ khi tấn công, truy bắt tội phạm. Hàng ngày, cảnh khuyển được huấn luyện theo từng chuyên khoa, tuy mạnh mẽ và dung dữ nhưng lại gắn bó với huấn luyện viên như những người bạn thân thiết.

Có mặt tại thao trường rộng hơn 1.000m2 xem những buổi tập luyện của các cán bộ, chiến sĩ với những chú cảnh khuyển mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua.

Để đào tạo được những chú chó thông minh, hiểu nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ ở đây không chỉ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt mà thậm chí cả máu.

Để những chú cảnh khuyển có tính chiến đấu và thực hiện được nhiều nhiệm vụ truy bắt tội phạm, rà phá bom, mìn hay đánh hơi ma túy… phải trải qua quá trình huấn luyện gian khổ từ 6 tháng đến 12 tháng.

Còn đối với những huấn luyện viên, họ phải miệt mài tập luyện bất kể thời tiết nắng hay mưa, ngày hay đêm. Nếu không được tập luyện và rèn luyện kỹ năng thường xuyên thì sẽ không thể có những chú cảnh khuyển tinh thông, đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ.

Tại Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) đang tập trung huấn luyện chó theo các chuyên khoa như sau: Chó chuyên giám biệt mùi hơi, chó tìm kiếm cứu nạn; chó tìm kiếm ma túy, thuốc nổ và chó truy lùng, tấn công. Dù được huấn luyện ở chuyên khoa nào, các chú chó nghiệp vụ phải trải qua các bài tập từ đơn giản đến khó như bò qua hàng rào sắt, vượt các vòng lửa, địa hình khó...

Để kiểm tra quá trình huấn luyện có đạt yêu cầu hay không, những cán bộ, chiến sĩ ở đây thường xuyên phải đưa ra những bài giả định sát hiện thực nhất. Ghi nhận của Người Đưa Tin, tình huống giả định đặt ra là một nhóm tội phạm đi ô tô vận chuyển trái phép chất ma túy thì bị tổ công tác bắt quả tang.

Nhóm tội phạm không phối hợp với lực lượng chức năng mà phản kháng dữ dội, buộc lực lượng cảnh sát cùng chó nghiệp vụ phải sử dụng vũ lực, nghiệp vụ để khống chế.

Theo Đại úy Trần Văn Ngọ - Đội trưởng Đội Sử dụng động vật nghiệp vụ, để tăng độ hung dữ, cán bộ huấn luyện cho cảnh khuyển cắn vào "quân xanh" (giả làm tội phạm) mặc đồ bảo vệ, tập làm quen với tiếng nổ. Ban đầu, chó thường sợ tiếng nổ lớn nên chiến sĩ huấn luyện đặt quả nổ ở xa và phải giữ chặt chó lại. Sau dần, chiến sĩ đặt quả nổ ở gần hơn để hình thành phản xạ có điều kiện. Cuối cùng, chó nghiệp vụ sẽ hưng phấn khi nghe thấy tiếng nổ lớn. “Với những bài tập có độ khó như tình huống giả định tội phạm đi ô tô vận chuyển trái phép chất ma túy, còn cài chất nổ trên xe, cán bộ, chiến sĩ không quản ngày đêm, thời tiết mưa rét, thường xuyên phải bám thao trường để thực binh nhuần nhuyễn, tạo thói quen và dũng khí chiến đấu cho những chú chó, để luôn sẵn sàng vào các trận chiến khi có yêu cầu”, Đại úy Trần Văn Ngọ nói.

Ngay sau đó, cảnh khuyển thực hiện nhiệm vụ đánh hơi, tìm thuốc nổ trên ô tô, đồng thời tìm ma túy trong các vali được khóa kín.

Tất cả các bài được sự kiểm tra nghiêm ngặt của các huấn luyện viên.

Ma túy được cảnh khuyển tìm thấy.

Khác với tính khi hung dữ của những chú chó tham gia tấn công trấn áp tội phạm, những cảnh khuyển chuyên đi cứu nạn cứu hộ phải có tính khí hiền lành, gần gũi với con người. Khi huấn luyện đòi hỏi huấn luyện viên kiên nhẫn khổ luyện, vừa kiềm chế tính hung dữ vừa phát huy tối đa khứu giác.

Khi huấn luyện và cho ra lò những chú chó tinh nhuệ nhất, cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại dùng cơ thể mình cho các bài tập.

Trong các bài tập thực địa sát hạch chó, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nằm sâu trong ngách hầm tối tăm, nóng bức, thậm chí phải đeo mặt nạ có ống thở nằm sâu dưới bùn đất.

Tùy thuộc vào yêu cầu độ nông sâu đặt nguồn hơi, cán bộ chiến sĩ phải nằm yên trên thao trường 3 - 4 giờ cho chó luyện tập sao cho sát với các tình huống thực tiễn nhất.

Trung úy Nguyễn Trần Công Huân - Cán bộ Đội huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ cho biết, quá trình đào tạo chó cứu hộ là ngay từ nhỏ và được hội đồng tuyển chọn duyệt, đưa vào huấn luyện. “Ban đầu lựa chọn những chú chó cứu hộ phải có tính cách tốt, dũng cảm, biết tuân thủ mệnh lệnh, độ trung thành cao. Sau đó, huấn luyện viên phải dành thời gian dắt chó đi dạo, chải lông cho chó, bởi đây là lúc dễ làm thân nhất. Khoảng thời gian này, huấn luyện viên phát hiện cá tính nổi trội của chó để luyện phản xạ hằng ngày. Nghề của chúng tôi là sống, làm bạn với chó. Người hôi hám nhưng ai cũng yêu nghề, nỗ lực để chú chó của mình tìm được nạn nhân trong thiên tai, sự cố”, Trung úy Nguyễn Trần Công Huân chia sẻ.

Trong năm 2022, Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an), đã hoàn thiện hồ sơ, sổ khám chữa bệnh, hệ phả và bàn giao 46 chó nghiệp vụ đã tốt nghiệp về công an các đơn vị địa phương để thực hiện nhiệm vụ.

Phạm Trọng Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/man-nhan-xem-canh-khuyen-vuot-rao-lua-tim-ma-tuy-a634783.html