Mãn nhãn chương trình 'Dòng sông kể chuyện'

Đêm nghệ thuật thực cảnh 'Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện' trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ nhất thực sự là sản phẩm du lịch ấn tượng, mãn nhãn cho người dân, du khách…

Tối 6/8, tại cảng Sài Gòn (quận 4, TP HCM), diễn ra chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”. Chương trình là điểm nhấn trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ nhất - năm 2023.

Đến dự có các đồng chí: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; nguyên Bí Thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và lãnh đạo TP HCM tham dự chương trình "Dòng sông kể chuyện". Ảnh: NLĐ

Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” tái hiện sự hình thành mảnh đất, con người qua các thời kỳ Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP HCM trong 5 chương gồm: Khẩn hoang - Xây thành - Trên bến dưới thuyền - Thương cảng phồn vinh - Rực rỡ thành phố bên sông.

Trong suốt gần 2 giờ đồng hồ, chương trình đã đưa khán giả du ngoạn theo thời gian và không gian, khám phá lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP HCM.

Một cảnh hoành tráng trong chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện. Ảnh: HH

Mở đầu là chương “Khẩn hoang” được lấy cảm hứng từ câu chuyện khai khẩn vùng đất phương Nam và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc để tái hiện không khí xây dựng cuộc sống mới đầy sôi nổi và truyền tải thông điệp về sự sinh sôi qua ngôn ngữ múa đậm sắc dân gian với cây lúa - cây lương thực chính, biểu tượng của sức sống, là vòng tuần hoàn của thời gian trong mỗi khắc chuyển mùa.

Chương “Khẩn hoang” được lấy cảm hứng từ câu chuyện khai khẩn vùng đất phương Nam. Ảnh: NLĐ

Chương hai “Xây thành” đưa khán giả ngược dòng thời gian về với những dân phu dựng nên thành Gia Định - tòa thành được xây bằng đá ong Biên Hòa, giúp giữ vững an ninh vùng Gia Định.

Tiếp đến là chương “Trên bến, dưới thuyền”, các nghệ sĩ với các tiết mục đặc sắc đã tái hiện nhịp sống và hình ảnh thân quen của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Sài Gòn - Gia Định xưa như làng mắm, làng rèn, làng dệt chiếu, làng đóng ghe thuyền…

“Trên bến dưới thuyền” tái hiện nhịp sống và hình ảnh thân quen của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở xứ Sài Gòn - Gia Định xưa. Ảnh: PLO

Với chương “Thương cảng phồn vinh”, khán giả, người xem đến với bến cảng thương mại sôi động hàng đầu Đông Dương thời bấy giờ, những con tàu cập bến, đưa những thương nhân, du khách đến trao đổi hàng hóa, giao thương buôn bán với người dân bản địa.

Cuối cùng là chương “Rực rỡ thành phố bên sông” giới thiệu một TP HCM trẻ trung, năng động, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và luôn ngập tràn tình yêu thương.

Chương trình có sự tham gia của hơn 700 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng là cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP HCM và bà con các làng nghề tại đồng bằng sông Cửu Long.

Hình ảnh tái hiện một thương cảng phồn vinh. Ảnh: PLO

Không chỉ tái hiện dòng chảy lịch sử của Thành phố, chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” là chương trình biểu diễn được tổ chức trong một không gian độc đáo: “trên bến” là cảng Sài Gòn - thương cảng có tuổi đời hơn 160 năm với tầm nhìn hướng về trung tâm thành phố có các công trình ghi dấu ấn về sự phát triển TP HCM hơn 300 năm qua, như Cột cờ Thủ Ngữ, Bến Bạch Đằng và các công trình hiện đại; “dưới thuyền” chính là mặt sông Sài Gòn - dòng sông gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TP HCM.

Chương trình còn sử dụng những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại bao gồm nghệ thuật chiếu sáng 3D trên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ.

Hệ thống nhạc nước trên mặt sông, hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, sử dụng hệ thống đèn lazer công suất lớn, chi tiết theo từng tiết mục; trình diễn flyboard kết hợp trình diễn drone (thiết bị không người lái) show và pháo hoa.

Chương trình sử dụng những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại. Ảnh: PLO

Sau tất cả 5 chương, khán giả thấy được những tinh hoa trong lịch sử văn hóa, những giá trị về kiến trúc, những sự kế thừa của các thế hệ tiền nhân. Và tất cả hội chung lại ở tiết mục cuối đó là con người, đó là tình người, một thành phố của tình yêu, một thành phố, của những nụ cười...

Chương trình cũng là lời chào của TP HCM - một đô thị sông nước hiền hòa, sống động, trẻ trung, cởi mở và không ngừng sáng tạo, hướng tới tương lai. Chương trình mang thông điệp của thành phố anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh và sẵn sàng hợp tác để cùng bạn bè năm châu tìm hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên sông, ven sông, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế từ tài nguyên sông, biển.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/man-nhan-chuong-trinh-dong-song-ke-chuyen-post259363.html