Mầm ác

TP - Xuyên suốt mạch thông tin lý giải tội ác đến từ đâu là câu chuyện của gia đình. Những mái nhà không bình yên đang tạo đất cho mầm ác tồn tại.

Ngay đầu Diễn đàn Tội ác đến từ đâu, một nam sinh ở Hà Nội đã cầu cứu khi anh này vừa là nạn nhân vừa là người lây lan căn bệnh bạo lực. Những trận đòn xé máu của bố, những cuộc cãi vã nảy lửa của bố mẹ diễn ra đều đặn đã tạo ra một nam sinh viên hung dữ, thích giải quyết mọi chuyện bằng nắm đấm…

Những trải lòng của các phạm nhân trẻ mang trọng tội cũng cho thấy cái ác có nguồn từ gia đình. Phạm nhân Phạm Hoàng Giang (sinh 1995, tội hiếp dâm, thụ án ở Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi gây án, thú nhận: “Em không sợ gì, chỉ sợ bị bố đánh”.

Giang cho biết, bố hay uống rượu và đánh các con. Phạm nhân Phạm Văn Kiên (sinh năm 1991, tội giết người, thụ án tại Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội) giết người tình của mẹ khi chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt” …

Và đây là những mẩu chuyện từ đường dây tư vấn. Một cô gái sinh ra không biết mặt bố, mẹ thiếu kỹ năng nuôi dạy nên trượt dài thành gái bụi đời, bán thân nuôi miệng. Một học sinh muốn tìm đến cái chết vì bị bố mẹ đối xử bất công…

Trong mỗi người, những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm hay sóng gió thường đi cùng cuộc đời và có tác động xấu - tốt đến con đường sau này.

Gia đình là nơi khởi đầu của mầm thiện - ác, là nền móng cho nhân cách mỗi người, nếu chệch chuẩn thì đi càng xa càng sai. Hai thầy quản phạm của Trại giam Thanh Xuân là Đại úy Vũ Minh Thụ và Đại úy Trần Văn Long nói rằng, không có cái gọi là bỗng dưng phạm tội…

Vì đâu gia đình không yên ấm? Trong thế giới phẳng, trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, một bộ phận cha mẹ bị con cái bỏ xa.

Cũng trong cơn lốc thông tin ấy, sự chia sẻ càng ít đi, mối quan tâm của mỗi người dần khác nhau và khác biệt, vách ngăn được dựng lên nhiều hơn trong tâm hồn những người cùng mái ấm.

Họ cô đơn và thiếu thông tin về nhau trong ngôi nhà của mình. Cuộc mưu sinh cơm áo, những va đập văn hóa thời hội nhập đang tạo ra vô vàn cái mới – cũ đan xen cũng khiến các thang giá trị bị xô lệch và những gia đình thiếu nền tảng chao đảo, mất phương hướng.

Tài sản lớn nhất và của để dành của cha mẹ là con cái. Có gì quý hơn tình mẫu tử, có nơi nào bình yên hơn ngôi nhà của mình? Những câu chuyện được cảnh báo trên Diễn đàn là “thực tế xanh rờn” khi mà những đứa con mong ngóng ngày về từ sau song sắt, có phần lỗi từ việc nuôi dạy của người lớn.

Các bậc làm cha, làm mẹ hãy hướng ánh mắt của mình về phía những đứa con, đừng để gia đình bị bất ngờ trước sóng gió!

Lê Anh Bảo Phong

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/623014/mam-ac-tpp.html